Đã đến lúc "mở cửa" để F0, F1 đi làm!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Đã tiêm đủ 3 mũi vaccine, F0 không triệu chứng và F1 nếu vẫn tiếp tục phải cách ly, liệu có lãng phí nguồn nhân lực trong thời điểm này?

UBND tỉnh Long An mới ban hành văn bản về việc quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tất nhiên việc đi làm hay không phải trên tinh thần tự nguyện của F0, F1 và phải có sự đồng ý của cấp trên, người quản lý. Quy định này cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn nếu thiếu hụt nguồn lao động mà không kịp tuyển bổ sung, để đảm bảo hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định.

Đi kèm, tỉnh Long An cũng yêu cầu cả người lao động thuộc diện F0, F1 và đơn vị sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định về theo dõi sức khỏe, bố trí phương tiện đi lại, nơi làm việc... để đảm bảo phòng, chống dịch lây lan.

Đã đến lúc mở cửa để F0, F1 đi làm! - 1

Các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, nhu cầu lao động tăng cao, nếu vẫn tiếp tục cách ly F0, F1 sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu nhân lực (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).

Đây cũng là đề xuất của Bộ Y tế trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 mới tăng cao mỗi ngày. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Y tế, các trường hợp F0 không có triệu chứng được bố trí làm việc trực tuyến, trừ trường hợp được bố trí làm việc tại các cơ sở điều trị Covid-19. Các trường hợp F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến; các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các lao động thuộc diện này.

Một nam công nhân làm việc tại một công ty có quy mô hàng chục nghìn lao động tại Bắc Ninh cho biết, anh thường xuyên thuộc diện... F1 do trong bộ phận liên tục có F0. Trong khi F0 nghỉ thì F1 phải đi làm bởi nếu tất cả đều nghỉ ở nhà thì áp lực khi đi làm trở lại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Điều khiến anh yên tâm hơn là bản thân từng là F0 và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Theo một quản lý nhân sự của công ty Hàn Quốc tại Hà Nội thì trên thực tế ở một số ngành, lĩnh vực, người lao động thuộc diện F0, F1 đã đi làm từ lâu rồi, trước khi Bộ Y tế có đề xuất. Vị quản lý này cho rằng, nếu việc cách ly F0 lâu quá, tâm lý người lao động dễ chán, chưa kể nghỉ thì công việc dồn ứ, không ai làm thay được. Trong trường hợp F0 không triệu chứng nghỉ làm thì khi bình phục, sức ép công việc sẽ lớn.

Trong thực tế, nhiều F0 vẫn đang đi lại trong cộng đồng. Một người đàn ông trong gia đình có 100% thành viên mắc Covid-19 ở Hà Nội chia sẻ, công việc của hai vợ chồng anh có thể làm online nhưng chợ búa không ai có thể làm thay cho. Người thân ở xa, hàng xóm cũng F0, trong khi tổ hỗ trợ cộng đồng không rõ còn duy trì hoạt động như hồi năm ngoái nữa không, mà nếu còn cũng không thể kham nổi việc đi chợ thay cho các hộ dân khi F0 tăng "phi mã" như những ngày qua. Bởi vậy, F0 hay F1 cũng phải ra đường để mua thuốc, mua thực phẩm, chỉ có chăng là bảo hộ thật kỹ để không ảnh hưởng đến những người khác. Trong thực tế, với việc số ca Covid-19 bùng nổ như vừa qua, có không ít trường hợp F0 tự hòa nhập trong cộng đồng như vậy.

Chưa có thống kê cụ thể nhưng chắc chắn số lượng F0, F1 trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ lớn và không phải công việc nào cũng có thể làm online được. Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sau thời gian "bình thường mới" đã phải chịu áp lực lớn do thiếu hụt lao động vì F0, F1 tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán. Thậm chí có doanh nghiệp tại Nghệ An đã phải cầu cứu sự "chi viện" từ các trường nghề để giải quyết một phần nhu cầu về nhân lực, kịp hoàn thành đơn hàng cho đối tác.

Bởi vậy, đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động trực tiếp, việc cho phép F0 không triệu chứng và F1 đi làm có ý nghĩa rất lớn.

Trong bối cảnh các ca mắc mới tăng nhanh nhưng triệu chứng nhẹ, việc "thích ứng an toàn, linh hoạt" cũng cần phải phát huy để phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, phần lớn ca F0 đều đã được tiêm đủ liều vaccine và mũi tăng cường, triệu chứng nhẹ, nếu tiếp tục cách ly sẽ thiệt hại kép cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Tất nhiên, để F0, F1 đi làm không có nghĩa là "thả nổi" công tác phòng, chống dịch, bởi lẽ đến thời điểm này Covid-19 vẫn chưa được xem là bệnh đặc hữu. Bởi vậy, cần có quy định chặt chẽ về các tiêu chí đánh giá tình trạng sức khỏe của F0, F1 đủ điều kiện đi làm trở lại, tăng cường khả năng kiểm soát, theo dõi sức khỏe, cũng như bố trí không gian, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo không lây lan dịch ở nơi làm việc.