Đánh giá cao cơ chế xử lý trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp

Hoa Lê

(Dân trí) - Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ trong các quy định về cơ chế xử lý những trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm sửa đổi về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục dự báo số lượng mở rộng, bổ sung đánh giá tác động; có giải pháp thể hiện trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi của quy định.

Từ đó, dự Luật bảo đảm tính tương thích về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do việc thu, quản lý các đối tượng này đều do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.

Theo Ủy ban Xã hội, quy định về việc linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động có thể dẫn đến mức đóng không thống nhất, ảnh hưởng các chế độ thụ hưởng và giảm thu đối với Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. 

Việc linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng chưa được đánh giá, dự báo một cách kỹ lưỡng, vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này, lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các đối tượng chịu tác động.

Đánh giá cao cơ chế xử lý trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: QH).

Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ trong các quy định về cơ chế xử lý đối với những trường hợp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp để người lao động được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ chế để tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp với tổng thể việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc chốt thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong trường hợp người lao động đóng bù bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đóng bù bảo hiểm xã hội để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, thống nhất.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định các hình thức đầu tư tăng trưởng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho phù hợp tính chất của quỹ bảo hiểm thất nghiệp và phương thức quản lý, đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm thất nghiệp, Ủy ban Xã hội thấy rằng, quy định như dự thảo Luật chưa rõ về sự hợp lý việc trích kinh phí cho chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm thất nghiệp bởi vì việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp do trung tâm dịch vụ việc làm và cơ quan bảo hiểm xã hội cùng thực hiện; sự hợp lý, tương xứng với các nhiệm vụ chi từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở không đề xuất sửa đổi quy định về nguồn trích chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm thất nghiệp.