1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đại biểu Quốc hội giật mình địa phương thừa gần 8.000 biên chế

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) cho biết: Con số vượt gần 8.000 biên chế này "rất đáng giật mình".

Theo ông Hà, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, việc dư thừa biên chế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ cấu nguồn chi ngân sách cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế.

Con số vượt biên chế khiến nhiều đại biểu giật mình
Con số vượt biên chế khiến nhiều đại biểu giật mình

Đề cập tới nguyên nhân, vị đại biểu cho rằng việc đánh giá chất lượng công chức, cán bộ để thực hiện tinh giảm biên chế chưa tốt, dẫn tới hiệu quả thực hiện chưa cao.

Ngoài những tiêu chí, tiêu chuẩn chưa rõ ràng, công tác đánh giá cán bộ còn đang bị chi phối bởi nhiều lý do khác, như quan hệ, tình cảm cá nhân...

“Sông sâu dễ dò, lòng người khó đo. Đánh giá để tinh giản biên chế không thể vội vàng vì nếu vội vàng có thể dẫn đến sai sót", ông Hà lưu ý.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, dù khó khăn nhưng yêu cầu phải tinh giảm là nhiệm vụ cấp thiết, cần có quyết tâm cao.

ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) lưu ý, thực hiện tinh giản biên chế phải tính toán cả tình và lý để không gây xáo trộn quá lớn trong xã hội. Nhưng đối với những đối tượng yếu kém phải kiên quyết loại bỏ.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2015, 2016 có 34 lượt bộ ngành và 106 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là hơn 17.600 người.

Hiện có 11 địa phương (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An) sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt quy định. Tổ chức bộ máy một số bộ, ngành vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian…

"Bộ máy còn cồng kềnh, tinh giản biên chế chưa hiệu quả", báo cáo của Chính phủ đánh giá và cũng là ý kiến của các đại biểu về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Chỉ ra nguyên nhân, Đoàn giám sát cho rằng, quy định về điều kiện tinh giản biên chế chưa hợp lý, chủ yếu giải quyết cho những người đủ tuổi về hưu, còn những người làm việc không hiệu quả thì không thể giảm.

Vì thế, Chính phủ cần xem lại cách xác định biên chế; phải có cách nhìn, quan điểm nhất quán, tổng thể; phải đổi mới cả hệ thống chính trị mới thực hiện tinh giản biên chế có hiệu quả.

Có những việc phải chuyển ra cho khu vực xã hội, khu vực tư nhân, đẩy mạnh xã hội hóa; có thể tăng cường tự chủ ở những nơi mà đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện hoặc thực hiện cơ chế một người có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí, chức danh và khoán chi hành chính, khoán chi biên chế.

Theo Báo Đất Việt