1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cuối năm: Công nhân tăng ca cuối năm mong bù đắp chi tiêu

Sơn Kim

(Dân trí) - Cuối năm âm lịch, công nhân phấn khởi vì được tạo điều kiện được tăng ca. Khoản tiền từ làm thêm đỡ đàn phần nào cho khó khăn của một năm kinh tế buồn do dịch Covid-19.

Cuối năm: Công nhân tăng ca cuối năm mong bù đắp chi tiêu - 1

Giáp Tết, công nhân tại các KCN rất phấn khởi vì được tăng ca, làm thêm giờ.

Mừng vì được tăng ca

Hơn 1 tháng nay, vợ chồng chị Dương Thị Tâm (32 tuổi, quê Hà Nam) làm việc tại một công ty ở KCN Bắc Thăng Long gần như không có ngày nghỉ. Tại phòng trọ, họ giành thời gian chủ yếu để nghỉ ngơi, đi chợ nấu ăn buổi chiều tối trước khi vào xưởng làm quần quật 12 tiếng từ 20h - 7h sáng hôm sau.

"Do tình hình sản xuất đã ổn định hơn, công ty tạo điều kiện cho công nhân được tăng ca và làm cả thêm vào ngày cuối tuần. Người lao động như chúng tôi chỉ mong được có thế", chị Tâm phấn khởi cho biết.

Theo chị Tâm, nếu được làm vào ngày nghỉ, mỗi ngày chị được trả gấp đôi tiền công từ 300 nghìn đồng lên 600 nghìn đồng. Cộng thêm làm tăng ca 12 tiếng, mức lương một tháng cả 2 vợ chồng cũng phải trên dưới 20 triệu đồng.

Nói với PV, công ty của chị Tâm suốt một năm vừa qua hoạt động cầm chừng. Công ty phải cắt giảm nhân công, chỉ giới hạn cho số lượng còn lại làm việc 8 tiếng. Vì vậy, nhiều người chán nản đã phải bỏ đi tìm công việc khác.

Làm cho một công ty làm thiết bị vệ sinh cũng ở KCN Bắc Thăng Long. Những ngày giá rét này, anh Bùi Văn Mạnh tất bật với nhiệm vụ làm khâu đúc bồn cầu.

Cuối năm: Công nhân tăng ca cuối năm mong bù đắp chi tiêu - 2

Chị Tâm thường nấu ăn sớm để kịp cho ca đêm 12 tiếng của mình.

Anh Mạnh cho hay, do nhu cầu làm thiết bị vệ sinh gần Tết rất lớn, nên dạo gần đây công ty của anh Mạnh đã đăng tin tuyển dụng thêm nhiều lao động.

"Lương tháng cơ bản của tôi là 5,5 triệu đồng. Nếu tăng ca 12 tiếng và không nghỉ ngày cuối tuần, thù lao sẽ khoảng từ 8-10 triệu đồng", anh Mạnh chia sẻ.

Nói về quãng thời gian bị "treo" việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, anh Mạnh cho biết đã phải đi làm thêm các công việc bán thời gian (part-time) để duy trì cuộc sống vốn đã nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều công nhân xa nhà như anh rất phấn khởi vì công ty đã dần phục hồi trở lại sản xuất.

Tiết kiệm để sửa sang cửa nhà

Lên KCN Bắc Long làm đã gần 10 năm, hai vợ chồng chị Tâm phải chắt chiu lắm mới giành dụm được 1 khoản tiền chi tiêu vào những mục đích lâu dài. Hiện nay, vợ chồng chị phải gửi tiền về quê cho ông bà nuôi con trai 7 tuổi.

Nhẩm tính về thu nhập hằng năm của gia đình, chị Tâm cho biết trung bình 1 tháng thu nhập của 2 người là 20 triệu đồng. "Như vậy, 1 năm là khoảng 250 triệu đồng. Năm nay chắc chắn là không đạt được con số này rồi", chị lắc đầu.

Cuối năm: Công nhân tăng ca cuối năm mong bù đắp chi tiêu - 3
Anh Mạnh quyết tâm sang năm sửa lại căn nhà cấp 4 ở quê đã xuống cấp quá lâu.

Theo chị Tâm, 1 tháng nếu trừ tiền thuê trọ cộng thêm xăng xe, sinh hoạt, hai vợ chồng trích ra 4, 5 triệu đồng gửi về quê. Số còn lại đóng vào sổ tiết kiệm để sửa sang nhà cửa hay phòng khi gia đình có ai ốm đau.

"Kinh tế càng ngày càng khó khăn, tôi đi chợ giờ cũng phải tính toán từng đồng chi li. Thằng nhỏ sắp lên lớp 1, bố nó hứa Tết sẽ mua cho cái xe đạp mới", chị bày tỏ.

Nói về dự định sắp tới, chị Dương Thị Tâm cho biết sẽ xin làm thêm giờ cho đến khi được nghỉ Tết. Hai vợ chồng chị trông chờ vào khoản thưởng Tết 2 tháng lương như mọi năm từ công ty để sắm sửa đón xuân mới cho tươm tất hơn.

Tâm sự với PV, anh Bùi Văn Mạnh cho biết gia đình nghèo ở quê làm nông không lo cho được 2 anh em học hành đàng hoàng. Học hết cấp 3, anh Mạnh đã phải đi làm thêm để có thu nhập.

Từ Nghệ An ra Hà Nội tìm việc bươn trải, chàng trai 27 tuổi mang khát vọng ban đầu là đi làm kiếm tiền về sửa sang lại căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, cũ nát.

"Bố mẹ tôi ở quê hay gọi lên giục mau sớm ổn định gia đình mà làm ăn. Trước mắt, tôi tính cùng em trai góp lại 1 khoản, giành dụm sang năm thuê thợ sửa lại căn nhà cho đàng hoàng", anh chia sẻ.