DMagazine

Cú "liều ăn nhiều" của lao động bị mất việc, nợ lương ở xứ người

(Dân trí) - Anh Nguyên chưa kịp nhận đồng tiền công nào thì công ty lâm vào phá sản sau 2 tháng nợ lương. Trong cái rủi có cái may, anh được ông chủ người Hàn Quốc ưu ái, tin tưởng và giúp đỡ hết mực...

Anh Nguyên chưa kịp nhận đồng tiền công nào thì công ty lâm vào phá sản sau 2 tháng nợ lương. Trong cái rủi có cái may, anh được ông chủ Hàn Quốc ưu ái, tin tưởng và giúp đỡ hết mực, ngay cả khi đã trở về Việt Nam lập nghiệp.

Cú liều ăn nhiều của lao động bị mất việc, nợ lương ở xứ người - 1

Tốt nghiệp cao đẳng nghề, học thêm bằng sư phạm kỹ thuật, năm 2007, anh Lê Lương Nguyên (SN 1982, quê huyện Nam Đàn, Nghệ An) thi đậu một suất đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc.

"Hồi đó lương của lao động Việt Nam ở Hàn Quốc 16-17 triệu đồng, trong lúc đó, thu nhập của tôi ở Việt Nam khoảng 700 nghìn đồng/tháng. Bước chân ra đi mang theo bao nhiêu hi vọng đổi đời nhưng thực tế như dội cho mình một gáo nước lạnh", anh Nguyên nhớ lại.

Cú liều ăn nhiều của lao động bị mất việc, nợ lương ở xứ người - 4

Kết thúc tháng làm việc đầu tiên tại một công ty chuyên về kết cấu nhà xưởng, đang háo hức chờ nhận lương thì anh Nguyên được thông báo chậm lương 5 ngày. Dù hơi hụt hẫng nhưng chậm thì tiền vẫn còn đó - anh Nguyên động viên mình.

Thế nhưng, sau 5 ngày, công ty lại thông báo cuối tháng sẽ trả gộp lương 2 tháng. Thôi thì nhận một lúc 2 tháng cho tròn, đủ một lần gửi về cho gia đình, anh Nguyên yên tâm làm việc. Kết thúc tháng làm việc thứ 2 cũng là lúc giám đốc rầu rĩ thông báo công ty phá sản, không thể trả lương cho anh em công nhân.

"Tôi nghe mà như sét đánh ngang tai, 2 tháng lương, cũng trên 30 triệu đồng, có ít gì đâu. Công ty phá sản nhưng cũng không báo lên cơ quan chức năng nên khi chúng tôi kéo lên, họ cũng không biết xử lý như thế nào. May mắn, phía Hàn Quốc cũng rất trách nhiệm, bảo chúng tôi yên tâm, họ sẽ tìm cách tháo gỡ. Trong thời gian chờ đợi, phía bạn sẽ giới thiệu cho doanh nghiệp mới nhưng chúng tôi phải tự túc nơi ăn, chốn ở", anh Nguyên nhớ lại. 

Được một công ty mời về nhưng doanh nghiệp này lại cùng tập đoàn với đơn vị cũ nên anh Nguyên từ chối và vẫn kiên nhẫn chờ cơ hội khác. 2 tháng ở nhờ nhà một người đồng hương, anh Nguyên được giới thiệu tới công ty của ông Je Min Park.

Sau khi tham quan nhà máy, biết mình được nhận vào làm việc tại bộ phận có sử dụng máy đột - dập (vốn là nỗi ám ảnh của lao động Việt Nam do nguy cơ gặp sự cố, mất an toàn lao động), anh Nguyên nghĩ cách từ chối khéo, mặc dù thời điểm đó anh đã sang Hàn Quốc được 4 tháng và chưa nhận được đồng tiền công nào trong tay.

"Bây giờ bảo mình sợ không an toàn mà từ chối thì cũng không phù hợp nên tôi "hét" lương thật cao. Nếu vị trí này được trả lương 750 USD/tháng thì tôi đòi... 1.000 USD, kèm điều kiện mỗi ngày được làm thêm 2 tiếng. Mình đòi lương cao để họ từ chối thôi chứ không phải vì mục đích là tiền", anh Nguyên kể.

Cú liều ăn nhiều của lao động bị mất việc, nợ lương ở xứ người - 5

Mặc dù không thể đáp ứng được yêu cầu về tiền lương của người lao động nhưng vị giám đốc Hàn Quốc vẫn chở anh về nhà, trên đường mời vào quán ăn món gà hầm sâm. Với một lao động ngoại quốc, 4 tháng ròng rã không có lương, ăn nhờ ở đậu, tiết kiệm chi tiêu hết mức thì món gà hầm sâm hôm đó là món ăn ngon nhất trên đời, đặc biệt hơn nữa bởi đó là cái tình của người chủ doanh nghiệp Hàn Quốc.

Bất ngờ, 5 ngày sau, ông Park gọi điện, đồng ý yêu cầu anh Nguyên đưa ra. Lúc này, anh không có lý do gì để từ chối, đồng ý đến công ty của ông Park làm việc. 

"Tôi là lao động nước ngoài duy nhất trong số 30 lao động đang làm việc ở đây. Thực sự tôi không nghĩ mình được ưu ái như thế vì ngoài tiền lương và thời gian tăng ca theo yêu cầu, tôi được ông chủ cho làm thêm 2 tiếng nữa.

3 tháng sau tôi được cất nhắc làm tổ trưởng, quản lý cả lao động người Hàn và Bangladesh. 5 tháng sau ông chủ thông báo tăng lương thêm 150 USD/tháng cho tôi.

Ông đánh giá cao tôi vì trách nhiệm, thông minh, siêng năng và hiệu quả trong công việc. Ông Park nói từ trường hợp của tôi, ông có cách nhìn khác về lao động Việt Nam và nhờ tôi giới thiệu thêm người. Sau đó, số lao động Việt Nam ở xưởng dần tăng thêm 5 người, rồi 8 người, tất cả đều được đánh giá cao", anh Nguyên kể. 

Cú liều ăn nhiều của lao động bị mất việc, nợ lương ở xứ người - 7

3 năm làm việc ở Hàn Quốc, anh Nguyên đã tích lũy được hơn 1 tỷ đồng. Ngoài thời gian làm việc, tăng ca, mỗi tuần anh dành 2 buổi tối để học thêm tiếng Hàn miễn phí ở Trung tâm hỗ trợ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và lấy được chứng chỉ bậc 3 (trên 6 bậc).

"Theo hợp đồng thì tôi có thể tiếp tục ở lại Hàn Quốc 3 năm nữa, với mức lương thời điểm đó thì sẽ là khoản thu nhập không hề nhỏ nhưng đi làm thuê không phải là mục tiêu cuối cùng của tôi. Với kinh nghiệm làm việc, số tiền tích lũy được và vốn tiếng Hàn, tôi có kế hoạch dài hơi hơn cho cuộc đời của mình", anh Nguyên tâm sự. 

Đầu năm 2011, khi về quê ăn Tết âm lịch, có bằng đại học sư phạm kỹ thuật và chứng chỉ tiếng Hàn bậc 3, anh Nguyên tham gia phỏng vấn tuyển dụng giảng viên Trường Cao đẳng công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và trúng tuyển. Anh xin phép hiệu trưởng một tháng để quay lại Hàn Quốc giải quyết công việc.

Khi nghe trình bày, mặc dù rất tiếc một người lao động giỏi chuyên môn kỹ thuật, một cán bộ quản lý giỏi nhưng ông Park ủng hộ quyết định của anh. Tạm biệt Hàn Quốc, tạm biệt ân tình của ông chủ người Hàn, anh Nguyên trở về quê hương...

Cú liều ăn nhiều của lao động bị mất việc, nợ lương ở xứ người - 9

Thời điểm này, nhu cầu học tiếng để đi Hàn Quốc cao nên vừa làm công tác giảng dạy ở trường, anh Nguyên mở trung tâm dạy tiếng Hàn. Có thời điểm, trung tâm của anh có 200 học viên, với mức học phí 1 triệu đồng/người/tháng, thu nhập hàng tháng của anh còn cao hơn nhiều thời điểm đi xuất khẩu lao động.

Sau một thời gian, trào lưu học tiếng Hàn cũng "giảm nhiệt" nên anh Nguyên quyết định chuyển sang hướng đi mới, khi ông Park sang Việt Nam công tác. Gặp lại ông chủ cũ, anh Nguyên mạnh dạn đề nghị ông Park để anh trở thành nhà cung cấp bu lông (loại sử dụng trong xây dựng các tòa nhà cao tầng) cho công ty của ông thay vì sử dụng nguồn cung từ quốc gia khác.

Ông Park đồng ý với điều kiện mỗi tháng phải cung cấp cho xưởng của ông một container, tương đương 25 tấn sản phẩm.

Cú liều ăn nhiều của lao động bị mất việc, nợ lương ở xứ người - 11

"Ông Park trao cho tôi cơ hội mới, trở thành đối tác của ông nhưng mọi việc không đơn giản như tôi nghĩ. Khi bắt tay vào tôi mới phát hiện quá nhiều vấn đề mình chưa biết. Từ nhà xưởng, máy móc, kỹ thuật chế tạo, từ tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu, tính toán giá nguyên liệu và giá đầu ra, chi phí sản xuất, vận chuyển để đảm bảo hàng đáp ứng tiêu chuẩn và có lãi.

Mất hơn một năm từ khi triển khai kế hoạch đến khi nhận được cái gật đầu đầu tư 51% vốn điều lệ từ ông Park, tháng 6/2013 công ty được thành lập, tôi bắt tay vào sản xuất. Nửa năm sau, container hàng đầu tiên xuống tàu xuất cảng sang Hàn Quốc và vượt qua cuộc kiểm tra chất lượng của đối tác, tôi mới có thể thở phào", anh Nguyên nhớ lại. 

Trước yêu cầu tăng sản lượng để đáp ứng yêu cầu của đối tác, anh Nguyên mở rộng cơ sở sản xuất, đóng tại Khu công nghiệp Nghi Phú (thành phố Vinh), tuyển dụng thêm công nhân. Đứng trước nhà xưởng rộng đến 800m2 của lao động cũ, nay đã trở thành đối tác, ông Park rất ngạc nhiên và vui mừng.

Chính ông đề xuất hỗ trợ máy móc gấp 3 lần số anh Nguyên hiện có và đặt hàng 4 container/tháng. Thời điểm này, công ty của anh Nguyên cung ứng cho đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản 4-5 container bu lông, tương đương 100-120 tấn thành phẩm, giá trị từ 120.000-150.000 USD.

Cú liều ăn nhiều của lao động bị mất việc, nợ lương ở xứ người - 13

Ngoài sản xuất bu lông, anh Nguyên lấn sân sang nhập khẩu và lắp đặt hệ thống thang máy cho một thương hiệu Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam. Hiện doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho gần 50 lao động với mức thu nhập từ 8-20 triệu đồng. Năm 2021, anh Lê Lương Nguyên xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi lao động EPS hồi hương thành công do Trung tâm lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

"Quyết định chọn con đường xuất khẩu lao động là quyết định đúng nhưng lựa chọn dừng con đường làm giàu bằng xuất khẩu để về nước lập nghiệp đối với tôi cũng là quyết định mang tính bước ngoặt. Đó không phải là quyết định nhất thời mà có kế hoạch và đã được chuẩn bị từ trước, từ việc tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ...", anh Nguyên đúc kết.

(Còn tiếp...)

Nội dung: Hoàng Lam - Nguyễn Tú

Thiết kế: Thủy Tiên