Công chức 'nhịn' tăng lương vì nền công vụ "thương nhau"?
Cơ quan quản lý, sử dụng công chức và người dân đang bị giằng xé giữa việc muốn trọng dụng người giỏi với việc không muốn loại trừ ai.
TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ những góc nhìn thẳng thắn của ông về nền công vụ Việt Nam và câu chuyện công chức phải "nhịn" tăng lương.
Mâu thuẫn giằng xé
TS Ngô Thành Can khẳng định, tăng lương là một yêu cầu bình thường đã có lộ trình và tất cả những người làm công ăn lương đều mong muốn. Ngay cả các nhà làm chính sách, các đại biểu quốc hội cũng thấy rằng đã đến lúc không thể nói "không" được nữa bởi mức lương hiện nay chưa đảm bảo cho cuộc sống của người dân.
Chính phủ xác định tăng lương cho cả hệ thống nhưng cần tách bạch những người trong hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước và những người trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp. Số người trong hệ thống quản lý Nhà nước không nhiều, còn số người trong các đơn vị sự nghiệp đông hơn nhiều.
"Việt Nam có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó có hơn 530.000 công chức. Số người cần phải cân đối lương để họ phục vụ khu vực công mạnh là công chức. Nhưng chúng ta đang quan tâm nói chung mà chưa nhìn cụ thể rằng, số người trong đơn vị sự nghiệp đông nhưng ngoài lương của Nhà nước họ còn có lương được tổ chức đảm bảo, khoản nọ khoản kia.
Trong khi đó, đa phần giáo viên ở các trường học chẳng hạn, có những nơi Tết chỉ được thưởng 200-300 ngàn thì biết lấy đâu ra, chỉ trông chờ vào đồng lương chính. Rất nhiều ý kiến bảo chỉ cần tăng một chút, thậm chí chỉ cần thêm 100 ngàn mỗi người nhưng như thế sẽ thành rất nhiều ngàn vì số người trong khu vực công đông, còn ngân sách thì đang eo hẹp", TS Ngô Thành Can cho biết.
Bởi vậy, tăng lương phải đi cùng với giảm biên chế, giảm số người trong khu vực công, chỉ giữ lại người giỏi, người làm được việc. Nhưng TS Ngô Thành Can lại chỉ ra một điều mâu thuẫn tồn tại từ lâu trong nền công vụ Việt Nam và đến nay vẫn chưa giải quyết được:
"Tăng lương là nguyên vọng chính đáng nhưng trong số người được tuyển dụng vào khu vực công theo năm tháng người giỏi ít dần đi, người bình thường thì đông lên. Ai cũng nói phải giảm bớt những người bình thường, không làm được việc nhưng hễ hành động thì y rằng lại cảm thấy không được, thấy động chạm và phải bênh vực những người đó.
Ví dụ dễ thấy là vụ việc hàng trăm giáo viên ở một tỉnh miền Trung vừa rồi đối diện với khả năng thất nghiệp vì bị cắt hợp đồng. Vấn đề đặt ra là phải làm theo pháp luật nhưng cũng phải lưu ý đến đời sống của các giáo viên. Nền công vụ Việt Nam đang bị giằng xé giữa một bên là phải quan tâm đến con người với một bên là công việc.
Một bên chúng ta muốn trọng dụng người giỏi, một bên lại muốn tất cả mọi người đều được sử dụng, không muốn loại trừ ai. Chúng ta bức xúc trước tình trạng biên chế lớn mà giải quyết công việc chất lượng không cao, nhưng nếu sa thải số này thì phản ứng của xã hội sẽ ra sao?
Thực tế là ngân sách đang eo hẹp, muốn tăng lương thì phải giảm người làm, đã đến lúc Việt Nam phải tinh giản biên chế để bộ máy bớt cồng kềnh, chi phí đỡ tốn kém. Cứ nhìn thử số cán bộ, công chức ở cấp xã, phường có nơi lên tới vài trăm người thì làm sao ngân sách, làm sao tiền thuế của nhân dân nuôi nổi? Thế mà bảo giảm đi thì không ai muốn, cứ dựa vào bộ máy để nuôi nhau như thế rất khó", TS Ngô Thành Can chỉ rõ.
Phải biết hy sinh
Bàn thêm về chất lượng công chức, TS Ngô Thành Can phân tích, ở đây tồn tại mối quan hệ giữa cơ quan quản lý công chức là bộ máy của Chính phủ và đại diện là Bộ Nội vụ với cơ quan sử dụng đội ngũ công chức. Đội ngũ công chức mong muốn được tăng lương, sống được bằng đồng lương, có vị trí và làm cả đời trong đó.
Còn lãnh đạo cơ quan sử dụng công chức vừa muốn sử dụng công chức, muốn họ làm việc tốt lại vừa muốn được lòng công chức để họ tin tưởng, lựa chnn mình cho những chức vụ quản lý. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước đứng trước sức ép của hệ thống, của người dân, chính sách, nguồn thu... muốn giảm biên chế để cuộc sống của người dân tăng lên. Nhưng vì đang tồn tại mâu thuẫn nói trên nên mong muốn trên khó vượt qua được.
"Việt Nam đang ở hệ thống quản lý cán bộ công chức theo chức nghiệp, người ta tuyển người vào cơ quan Nhà nước số lượng phân theo ngạch, không theo vị trí việc làm có mô tả công việc cụ thể và năng lực dù quan trọng nhưng không được chú trọng. Có những người ốm đau, không làm được việc nhiều năm tháng nhưng vì thương nhau nên người ta vẫn cứ để tên ở đó, vẫn cho lĩnh lương hàng tháng.
Một nền công vụ có rất nhiều người như thế thì không thể khá lên được. Giống như doanh nghiệp kinh doanh xe khách, nếu cứ thương người mà cho hết người này người kia đi xe miễn phí thì doanh nghiệp đó sẽ phá sản sớm.
Ngược lại, nền công vụ quan tâm đến vị trí việc làm sẽ khuyến khích người ta làm và cống hiến nhưng nó không hay ở chỗ nó ủng hộ người tài giỏi, đó lại là số ít, còn người bình thường thì nhiều. Tóm lại, Việt Nam đang ở ngã ba phải lựa chọn đường đi. Đây cũng chính là giai đoạn các nhà làm chính sách trăn trở nhất".
Bởi đang tồn tại nhiều mâu thuẫn trong nền công vụ nên TS Ngô Thành Can nhấn mạnh rằng, cần có một thời gian tương đối dài để chỉnh sửa lại hệ thống này. Nền công vụ Việt Nam phục vụ con người nhưng phải hệ thống lại vị trí việc làm, phải làm vì năng lực và đánh giá được năng lực.
"Phải biết hy sinh những bộ phận không làm được việc. Nếu kéo dài tình trạng như hiện nay, nền công vụ Việt Nam không tuyển được những cá nhân giỏi, thì chất lượng công chức khó được cải thiện với vẫn những con người ấy, năng lực ấy", ông khẳng định.
Theo Báo Đất Việt