Lương thấp, công chức băn khoăn chuyện làm thêm: “Bệnh sĩ chết trước… bệnh tim”

(Dân trí) - “Những góp ý thẳng thắn giúp tôi nhận thức đúng về công việc, kiếm tiền. Tôi sẽ đi giao bánh từ tháng sau” - Bạn đọc Minh Dũng chia sẻ sau khi nhận được hàng trăm ý kiến tâm huyết góp ý về tâm sự “Lương công chức 6 triệu, tôi có nên đi giao bánh pizza?”.


Bạn đọc Minh Dũng mặc cảm của tôi: Liệu có hợp với việc làm thêm đi giao bánh pizza? (Ảnh minh họa)
 

Bạn đọc Minh Dũng mặc cảm của tôi: Liệu có hợp với việc làm thêm đi giao bánh pizza? (Ảnh minh họa)
 

Từ câu chuyện của bạn Minh Dũng, nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm khác nhau. Không chỉ là là góp ý, bạn đọc còn chia sẻ các câu chuyện lý thú về khởi nghiệp, lập nghiệp.

Trăm câu chuyện ẩn trong một gương mặt

Tâm sự với Minh Dũng, nhiều bạn đọc đã bộc bạch câu chuyện lập nghiệp bản thân. Trăm câu chuyện là cả trăm con đường lý thú về khởi nghiệp, lập nghiệp.

Có lẽ là người làm ngành y, bạn đọc Đặng Thanh Hưng viết: “Bạn đã làm bao lâu rồi?, Tôi là trưởng khoa cận lâm sàng của một bệnh viện huyện hơn 22 năm. Tổng thu nhập hàng tháng của tôi gồm lương, phụ cấp, chức vụ là 6.950.000 đồng/tháng. Theo bạn có cao không? có đủ sống không? muốn sống tốt phải làm đủ mọi việc miễn là đừng vi phạm pháp luật. Bạn nên đi giao bánh đi, kẻo mất cơ hội”.

“Mặc cảm lớn nhất của người đàn ông là không thể lo cho vợ con, mong rằng anh có thể gạt bỏ thứ sĩ diện hão của nhà khoa học đi để có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tôi khuyên anh nên chuyển nhà tới nơi thuê nhà rẻ hơn, hợp tác mở quán sinh tố hoặc đi giao pizza có thêm 4tr/tháng cũng đều ổn cả” - bạn đọc Nguyễn Thành Công nói.

Bộc bạch câu chuyện của mình, bạn đọc Thành Chung viết: “Tôi cũng làm việc trong công ty Nhà nước từ năm 2002-2006, lương không đủ sống. Tối đến mình phải chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập.

Đầu năm 2007, tôi xin nghỉ và làm kinh doanh của 1 công ty cổ phần tư nhân. Công việc vất vả, nhưng bù lại tiền lương và các khoản khác đủ sống và nuôi con ăn học. Bạn nên tìm kiếm việc làm thêm để có thu nhập cũng tốt, để trang trải cho cuộc sống”.

Từng làm nghề thanh tra, bạn đọc Huy Hoàng kể lại: “Cách đây 25 năm tôi là một thanh tra viên, vợ tôi buôn bán tạp hóa. Tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc chiều, tôi vẫn đếu đặn ra quầy giúp vợ đóng hàng, lấy hàng về bán và đèo hàng ra bến xe gửi cho khách. Giờ con cái đã lớn, nhọc nhằn rồi cũng qua đi. Tôi thấy vui khi nghĩ lại thời gian giúp vợ buôn bán, kiếm thêm thu nhập. Thời ấy chẳng nghĩ ngợi nhiều, miễn là kiếm được tiền nuôi con và chăm lo cho gia đình từ hai bàn tay trắng!”.

Dương Đức Lợi tâm sự: “Bạn cứ đi làm việc gì mà pháp luật không cấm, không ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của bạn và người nhà. Chia sẻ với bạn nhé: Tôi làm hành chính ở cơ sở giáo dục tại Bắc Giang, kéo vợ và 2 con ra thành phố ở nhà tập thể. Cứ hết giờ buổi chiều, tôi đạp xe đi lấy hàng về cho vợ bán (lúc đó khó khăn không có xe máy). Nhiều hôm tôi phải đạp 2 chuyến cũng vất vả, nhưng vợ bán được tiền, sau 10 năm mình có nhà riêng”.

Từ quan điểm giáo viên, bạn Thu Hằng khuyên: “Theo tôi mèo nào cũng là mèo, miễn là bắt được chuột. Tôi cũng là 1 giáo viên lương ba cọc ba đồng, mà lại là giáo viên hợp đồng, tôi cũng đi bán hoa quả thêm sau giờ dạy học. Lúc đầu cũng ngại với học trò và phụ huynh lắm. Nhưng lúc lên lớp, trò chọc ghẹo nhưng tôi lấy đó là bài học giáo dục học trò luôn về cách lao động và kiếm đồng tiền chân chính. Giờ thì tôi cảm thấy chả có gì phải hổ thẹn về công việc kiếm thêm của mình cả”...

Lời khuyên quý giá hơn vàng!

Khuyên Minh Dũng nên làm thêm việc giao bánh, nhiều bạn đọc đã gợi ý.

Lưu ý sự tự tin, bạn đọc Nguyễn Huy Toàn khuyên Minh Dũng: “Bạn nên tự tin hơn. Khi đến độ “chín”, người ta bỗng dưng không còn hài lòng với công việc, mục tiêu trước mắt nữa mà phải có mục tiêu xa hơn, 10-20 năm nữa bạn muốn trở thành người như thế nào.

"Tôi đã từng như bạn, rất ngại, rất xấu hổ nếu như gặp người quen, thậm trí đi làm phải đeo khăn bịt mặt. Nhưng đi nhiều rồi thanh quen, kiếm được nhiều tiền là động lực, rồi chẳng thấy ngại gì cả. Và rồi đeo khăn nhiều thấy vướng, bỏ ra cũng chẳng ngại gì. Gặp người quen họ lại giới thiệu thêm cho mình việc khác nữa, thấy thật tuyệt. Đến giờ nói chung là ổn"- bạn đọc Minh Anh nói.

Phân tích sự lựa chọn nghề nghiệp, bạn Nguyễn Huy Toàn bày tỏ quan điểm: Không nhất thiết phải làm cho nhà nước, hay làm cho ai. “Tự kinh doanh vẫn hơn và khẳng định mình. Chỉ khi tự làm, bạn mới thấy chỉ khi khi đó mới nảy ra nhiều ý tưởng hay”.

Tâm tình với Minh Dũng, bạn đọc Nhung viết: Mình hiểu cảm giác của bạn. Nhưng bước được 1 bước thì sẽ không thấy gì nữa. Mình phải vượt qua được chính cái tôi trong mình. Bạn đang quen với hình ảnh là một công chức nhà nước, hình ảnh của một nhà nghiên cứu. Không có gì cả, mình vì vợ vì con và vì cuộc sống của mình, ai cũng có những giai đoạn khó khăn và mình cần phải vượt qua nó.

“Không có nghề gì xấu cả, nhân cách con người mới quan trọng. Làm việc để có thêm thu nhập bằng sức lao động của chính minh thì có gì hỗ thẹn. Theo tôi bạn nên đi làm thêm ngay” - bạn đọc Ngọc Hà khẳng định.

Chia sẻ nhận định về giá cả tăng vọt, bạn đọc Vũ Ngọc Thăng cho rằng Hà Nội đất chật người đông, kinh tế khó khăn, giá cả lương thực thực phẩm xăng dầu điện nước leo thang mà lương thì không tăng. Ai cũng phải cố gắng tìm cách kiếm thêm ngoài những khoản lương cố định hàng tháng đâu riêng gì bác đâu. Nên có cơ hội kiếm thêm thì bác cứ nhiệt tình làm đi, cũng là một lần trải nghiệm thú vị.

Bạn Cẩm Văn Trung chia sẻ: Anh ơi bỏ mặc cảm đi, không đảm bảo cuộc sống cho gia đình cho vợ con hãy mặc cảm, chứ để ý xã hội dèm pha thì mệt lắm.

Bạn đọc Nguyễn Tôn Thái khuyên: “Nên chứ anh! Em cũng là công chức miền núi, lương 4 triệu, muốn làm thêm cũng chẳng có việc gì để làm. Lương hành chính Nhà nước chỉ có vậy. Sống phải có đam mê anh à, đam mê là động lực sống, có đam mê sẽ có thành công!chúc anh thành công!”...

Đừng để bệnh sĩ chết trước …bệnh tim

- Bạn đọc Đỗ Vũ Kính viết: “Suy nghĩ của anh thật ấu trĩ. Như ở nước ngoài, làm nghiên cứu hay lao động chân tay thì cũng là nghề kiếm tiền, miễn sao không ăn trộm ăn cắp là được. Sao phải phân biệt nghề này hay nghề kia nhỉ. Mà chết đói ra đấy thì có còn sĩ diện được không?”.

- Cho rằng bệnh sĩ chính là nguyên nhân khiến Minh Dũng còn day dứt, ban đọc Nguyễn Văn Thành thẳng thắn: “Em nói thẳng là cái bệnh sĩ chết trước bệnh tim đấy. Cái gì mà phù hợp với k phù hợp bác lao động chính đáng k ăn cắp ăn trộm lo cho con đỡ vất vả thì việc gì cũng chính đáng hết. Thân!”.

- Đồng tình với Nguyễn Văn Thành, bạn đọc Lê Thanh Hùng chia sẻ: Tôi cho anh lời khuyên chân thành nhé: Hoàn cảnh của mình thì mình biết hơn ai hết, đừng có sĩ diện, hãy nhìn vào thực tế mà có thực hiện điều mình nghĩ và làm đi

- Than thở trước suy nghĩ của Minh Dũng, bạn Nhím Nhí Nhố viết: “Trời ơi anh ơi, đói có khi phải bò đi làm vẫn phải đi đó a ah. Sĩ diện nó cũng vừa vừa thôi chứ”...

Hoàng Mạnh