Cơ quan nào kê khai, chi trả hỗ trợ các đối tượng của Nghị quyết 42/NQ-CP?
(Dân trí) - “Việc thống kê, chi trả khoản tiền hỗ trợ tới 20 triệu người trong quy định của Nghị quyết 42/NQ-CP, đòi hỏi quy trình phân công trách nhiệm từng ngành và chính quyền địa phương rất cụ thể, rõ ràng…”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định về quy trình thực hiện kê khai, chi trả được nêu trong dự thảo quyết định về thực hiện các biện pháp hỗ trợ cụ thể, sắp được Chính phủ ban hành.
“Quyết định khi được ban hành sẽ là căn cứ để các Bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết để các địa phương thực hiện khảo sát và hệ thống danh sách cụ thể” - Bộ trưởng nêu rõ.
Dự kiến việc phân công nhiệm vụ từng ngành, chính quyền địa phương sẽ được nêu khá cụ thể.
“Về cơ bản, việc kê khai và trực tiếp chi trả tới người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội sẽ do ngành LĐ-TB&XH thực hiện” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Với nhóm đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường sẽ trực tiếp quản lý, kê khai và chi trả. Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện cũng sẽ đảm nhận việc kê khai và chi trả đối tượng tạm dừng đóng BHXH.
Chuyên trang Gói an sinh 62.000 tỷ đồng
“Tôi cũng đã trao đổi với Báo Dân trí để mở một chuyên trang nhằm đăng tải, cập nhật các thông tin nóng hổi về chủ trương, chính sách và việc thực hiện chính sách ở các địa phương…Qua đó giúp người dân hoàn toàn có thể chủ động nắm đầy đủ chính sách này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
“Trường hợp doanh nghiệp đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động, nay có nhu cầu vay tiền để trả lương tiếp thì doanh nghiệp sẽ đứng ra làm thủ tục vay. Chính quyền và công đoàn nơi doanh nghiệp hoạt động sẽ xác nhận. Đồng thời, nguồn tiền cho vay sẽ được Ngân hàng Chính sách Xã hội chi trả” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Với nhóm hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm bị tạm ngừng kinh doanh do Covid-19, thống kê sơ bộ trong cả nước hiện có khoảng 760.000 hộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Cục thuế và chính quyền địa phương có tránh nhiệm kiểm tra, thống kê và xác nhận cho nhóm hộ kinh doanh cá thể này”.
Để tiếp cận về chính sách hỗ trợ, người dân có thể cập nhật từ nhiều kênh thông tin chính thống khác nhau. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước hết là kênh thông tin từ chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền sẽ phải nắm vững chính sách để giải thích, phổ biến cho người dân.
Ngoài ra, người dân có thể tìm hiểu thông tin qua hệ thống các cơ quan của ngành LĐ-TB&XH, bảo hiểm xã hội và các cơ quan báo chí.
Cũng liên quan tới việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, nhóm lao động tự do dễ bị tác động, ảnh hưởng và giảm thu nhập sâu nhất.
Ngoài 6 đối tượng chính của nhóm lao động tự do đã được nêu trước đó, khả năng có thể xuất hiện thêm các nhóm lao động tự do đặc thù ở từng địa phương khác nhau.
"Dựa vào quá trình triển khai ở từng nơi, Chính phủ cũng thống nhất cho phép các địa phương có thể căn cứ vào thực tiễn để bổ sung thêm các đối tượng lao động tự do khác bị mất việc hoặc bị giảm sâu thu nhập" - Bộ trưởng nhận định.
Tuy nhiên để hạn chế tình trạng bổ sung không đúng đối tượng, tránh trục lợi ở từng địa phương, việc bổ sung cần đáp ứng thêm các tiêu chí riêng.
Một trong những tiêu chí có thể được áp dụng là những đối tượng này phải đang được xếp ở dưới mức chuẩn nghèo quy định ở nông thôn hoặc thành thị, tuỳ vào nơi thực hiện thống kê.
Hoàng Mạnh