Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng: Người lao động tự do mong mỏi từng giờ

Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đang được gấp rút hoàn thiện những công đoạn kỹ thuật cuối cùng. Trong khi đó, những đối tượng thụ hưởng đang rất mong mỏi nhận sự hỗ trợ vô cùng ý nghĩa này...

Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng để thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 đang được gấp rút hoàn thiện những công đoạn kỹ thuật cuối cùng (lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng).

Trong khi đó, những đối tượng thụ hưởng đang rất mong mỏi nhận sự hỗ trợ vô cùng ý nghĩa này...

Bấp bênh lao động tự do

Chị Phạm Thị Thúy (sinh năm 1975, quê tại xóm Nhân Hòa, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cùng chồng kiếm sống tại Hà Nội đã 16 năm nay.

Chị làm nghề buôn bán đồng nát, còn anh làm nghề xe ôm. Anh chị gửi hai con ở quê cho ông bà trông, thuê phòng trọ tại phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) với giá 2 triệu đồng/tháng. Ngoài những lần đột xuất, khoảng 3 tháng, anh chị mới về quê thăm con một lần.

Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng: Người lao động tự do mong mỏi từng giờ - 1

Lao động tự do là một trong những đối tượng được hưởng gói trợ giúp 62.000 tỉ đồng (ảnh chụp trước 1.4). Ảnh: Hải Nguyễn
 

Chị Thúy cho biết, tháng thu nhập cao điểm nhất của cả hai anh chị tổng cộng là 10 triệu đồng. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch nên thu nhập chỉ còn khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Khi có thông tin về ca nhiễm COVID-19 thứ 17 ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội), hai vợ chồng chị đã về quê để “né” dịch.

Như vậy, suốt 1,5 tháng nay, gia đình chị không có thu nhập. Tuy về quê, nhưng số tiền thuê trọ - 2 triệu đồng/tháng - chị vẫn phải trả. Trong khi đó, con lớn - làm nghề gội đầu - cũng đang phải nghỉ việc vì dịch Covid-19; con thứ 2 vừa mới học xong THPT, đang học ngoại ngữ để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Gia đình đang lâm vào tình cảnh khó khăn.

Vì vậy, khi nghe thông tin những người lao động tự do như chị được Chính phủ hỗ trợ, chị Thúy rất vui mừng. “Tôi mong sớm nhận được hỗ trợ để bớt đi phần nào khó khăn. Trong lúc không có thu nhập như hiện nay, những đồng tiền hỗ trợ một cách kịp thời cho người dân như chúng tôi là rất có ý nghĩa” - chị Thúy nói.

Tại Bình Dương, hàng nghìn người bán vé số thời gian qua cũng không có việc làm. Nhiều người chọn phương án về quê để đỡ chi phí đắt đỏ ở thành thị. Chị Lê Thúy Hà (41 tuổi) là người tàn tật.

Trước đây, chị Hà ngồi xe lăn đi bán vé số mỗi ngày thu nhập từ 150.000-200.000 đồng, số tiền này đủ để gia đình chị chi tiêu trong ngày. Từ khi tạm dừng bán vé số đến nay, chị Hà không có thu nhập, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn, phải xoay xở đủ kiểu mới có tiền chi tiêu.

“Xem tivi, tôi được nghe đến gói hỗ trợ dành cho người nghèo. Tôi rất mong nhà nước sớm triển khai gói hỗ trợ này để chúng tôi có thêm chi phí trang trải cuộc sống” - chị Hà chia sẻ.

Khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), việc xác định nhóm lao động tự do là vấn đề rất khó bởi khó định lượng được tiêu chí, công việc. Để khắc phục được những vấn đề trên, bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định quy định về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Dự thảo Quyết định quy định về thủ tục, điều kiện nhận hỗ trợ của người lao động (NLĐ) không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do tác động của Covid-19.

Theo đó, lao động tự do bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Không có đất sản xuất nông nghiệp; Mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia trong thời gian từ ngày 1.4.2020 đến ngày 30.6.2020 do dịch Covid-19; Có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ 3 tháng trở lên trước ngày 1.4.2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ.

Bên cạnh đó, đối tượng được hỗ trợ thuộc một trong những công việc sau: Người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô; người bán lẻ vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Ngoài các đối tượng trên, dự thảo nêu rõ, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương quyết định bổ sung các đối tượng khác và chi trả hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Lao động tự do mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6, phương thức chi trả theo tháng.

Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội - cho biết, sở đã hướng dẫn 30 quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng. Sau đó, Bộ LĐTBXH có hướng dẫn cụ thể thì sẽ triển khai việc chi trả đến các đối tượng được hỗ trợ.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, hiện nay, bộ đang phối hợp cùng nhiều bộ ngành khác để đưa ra những tiêu chí, điều kiện cụ thể để tiến hành rà soát các đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đối với những người có công, diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo, bộ đã số liệu nhóm đối tượng này.

Về nguồn kinh phí, ông Dân cho rằng, Nghị quyết của Chính phủ về gói hỗ trợ an sinh xã hội, Hà Nội phải tự cân đối kinh phí địa phương để thực hiện.

TPHCM: Khoảng 306 tỉ đồng hỗ trợ hơn 101.000 người lao động

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động sáng 16.4, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - cho biết, sở đã có báo cáo trình UBND TPHCM đề xuất hỗ trợ cho khoảng hơn 101.000 công nhân, người lao động, trong đó có 32.570 giáo viên mầm non khu vực ngoài công lập, bị mất việc, ngừng việc do bị tác động bởi dịch COVID-19 với tổng số tiền khoảng 306 tỉ đồng.

UBND TPHCM đang giao cho Sở Tài chính cân đối nguồn và dự kiến sẽ chi trả cho các đối tượng trên trước ngày 30.4. Theo quy định, mỗi người sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng 4, 5, 6.

Về hỗ trợ người bán vé số, đến nay, thống kê của các quận, huyện cho thấy, có 18.707 người bán vé số phải tạm ngừng bán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TPHCM. TPHCM đã chi 14 tỉ đồng để hỗ trợ cho những người bán vé số trong 15 ngày (từ ngày 1.4 đến ngày 15) mỗi người 750.000 đồng.

Trao đổi thêm về việc TPHCM tiếp tục thực hiện cách ly đến ngày 22.4 theo Quyết định của Thủ tướng thì những người bán vé số trên có tiếp tục được hưởng hỗ trợ không, ông Tấn cho hay hiện nay mới chỉ có Quyết định của Thủ tướng, Sở LĐTBXH đang chờ quyết định của UBND TPHCM, trên cơ sở đó sẽ có đề xuất phù hợp. Nam Dương ghi

Theo Báo Lao động