Chuyện những người "giữ nhà thuê" nơi... khuất núi
(Dân trí) - Ở khu nghĩa trang heo hút, ngày đêm vẫn có những người mưu sinh "dựa cõi âm". Họ đưa đón những người đã mất về nơi an nghỉ rồi quanh năm suốt tháng bảo vệ những phần mộ đó.
Ngủ ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà
8 năm bén duyên với nghề bảo vệ trông coi phần mộ cho người đã mất, ngần ấy thời gian anh Nguyễn Minh Toàn (trú tại xã Mông Hóa, TP Hòa Bình) ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà.
Anh Toàn cho biết, sau nhiều năm bôn ba ở Hà Nội, năm 2015 anh quyết định về quê tìm kiếm công việc để được gần gia đình. Anh xin vào làm bảo vệ tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) và gắn bó với công việc này cho tới nay.
Ca làm việc bắt đầu từ 18h tối. Trước lúc giao ca, anh Toàn cẩn thận đi tuần 1 vòng nghĩa trang, xem có vấn đề gì bất thường hay không. Về đêm thì anh và 1 đồng nghiệp thay phiên nhau trực.
"Công việc của người bảo vệ mộ cũng giống như người đi ở giữ nhà thuê, bất luận mưa gió đều phải canh giữ không cho trâu bò trên đồi xuống phá hoại và ngăn chặn, không để kẻ gian đột nhập lấy đi đồ quý giá.
Việc này diễn ra cả ngày lẫn đêm. Khó khăn nhất là phải xa gia đình ban đêm, nhiều khi con cái cần bố, vợ cần chồng bên cạnh thì mình lại đang ngoài nghĩa trang làm việc", anh Toàn chia sẻ.
Theo anh Toàn, khác với công việc bảo vệ đơn thuần, người làm bảo vệ mộ như anh gặp phải áp lực hơn nhiều bởi đâu chỉ trông coi khuôn viên phần mộ mà phải giữ gìn những tài sản vừa là giá trị vật chất, lại đặc biệt vì là kỉ vật người đã khuất để lại.
"Việc bảo vệ phần mộ quan trọng, nhưng hơn hết là canh giữ những món đồ người khuất núi để lại.
Ở đây có rất nhiều ngôi mộ của người nổi tiếng, kỉ vật họ để lại có giá trị tinh thần rất lớn, không thể định giá được bằng tiền và không thể mua lại được, nếu để mất thì không biết lấy gì bù đắp.
Bởi vậy, anh em làm việc ở đây hết sức trách nhiệm. Mỗi khu vực đồi mình quản lý mình đều cố gắng để ý xem ở đâu có đồ vật giá trị để lưu tâm canh giữ", anh Toàn nói.
Công việc áp lực, ít được ở cạnh gia đình, đã có lúc anh Toàn tìm kiếm công việc khác nhưng "nghề chọn người", anh đi rồi lại về.
Ngoài công việc làm bảo vệ, anh Toàn và các thành viên trong tổ bảo vệ kiêm thêm công việc hậu cần, chuyên an táng cho người đã khuất. Anh kể, với những ca "mộ khô" (đã hỏa táng - PV) thì chỉ cần 4 người nhưng với "mộ tươi", phải cần đến hơn 10 người mới có thể hoàn thành công việc.
"Ở đây hầu hết các gia đình đều có điều kiện nên những ca "mộ tươi", người thân thường đặt áo quan bằng gỗ quý như ngọc am, vàng tâm, rất nặng. Có những cỗ quan được bỏ rất nhiều đá thạch anh hoặc mật mía bên trong, nặng đến 7 tạ. Phần việc khi đó thực sự chật vật", anh Toàn nói.
Cái duyên làm "lễ tân" cho người đã mất
Là nữ bảo vệ duy nhất tại nghĩa trang, chị Trần Thị My (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) ban đầu lựa chọn công việc này vì nghĩa trang ở gần nhà.
Gần 10 năm qua, chị bén duyên với cả công việc làm "lễ tân", chuyên đón những người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng.
"Công việc chính của tôi là làm bảo vệ ca đêm, còn vai "nhân viên lễ tân" này đến như một cái duyên. Mới đầu về đây làm thấy sợ, nhưng không hiểu sao trong lòng tôi cảm thấy như có ai đó mời gọi", chị My cho biết.
Mỗi khi có người mất đưa vào, chị My lại bàn giao công việc cho người làm cùng rồi một tay cầm khăn lau, một tay xách theo xô nước và cây chổi ra phần mộ đã được định sẵn lom khom lau dọn từng ngôi mộ thật tỉ mỉ.
"Thường khi có người mất an táng tại đây, nhận được thông tin là mình ra mộ sớm hơn 1 tiếng để lau dọn bàn ghế, dọn khuôn viên phần mộ đó cho sạch sẽ. Ca nào cũng thế, mình là người đến sớm nhất và ra về sau cùng khi việc an táng hoàn tất.
Ngày nào nhiều ca mình chỉ ngủ có 4-5 tiếng. Vất vả nhưng so với công việc tay chân khác như đi phụ hồ thì làm việc tâm linh này mình thấy phù hợp, chỉ hơi tốn thời gian", chị My bộc bạch.
Theo lời chị My, người Việt có quan niệm "trần sao, âm vậy", khi sống mong muốn được ở trong một ngôi nhà, khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ thì khi rời sang thế giới bên kia ai cũng mong được an táng ở nơi tương tự.
Bởi vậy, khi chọn công việc này, lúc nào chị My cũng làm với mong muốn giúp các gia chủ làm trọn đạo hiếu.
Chị cho biết, trước đây, khi nghĩ đến công việc trong khuôn viên nghĩa trang là nghĩ ngay đến những người lớn tuổi. Bởi chỉ họ mới đủ bản lĩnh "sống chung với người chết".
"Lúc đầu nhận làm công việc này, tôi cũng e ngại bởi vừa làm ở nơi hẻo lánh, nhiều âm khí nhưng làm mãi rồi cũng quen. Biết làm thêm công việc thì có thêm thu nhập nhưng không nhiều người dám gắn bó với công việc này.
Có người xin vào làm ca đêm được mấy hôm, bị "trêu" xong sợ phải bỏ việc. Có người đi làm vẫn mang theo tỏi đấy (cười). Nhiều lúc tôi nghĩ bụng, bảo may các cụ thương nên giữ lại đến giờ", chị My cười.
Gần 10 năm làm nghề, nhiều lúc chị My tự "nể" bản thân mình khi đã lựa chọn công việc vốn dĩ của nam giới thế này.
"Nhiều đêm mưa rét, một mình mặc áo mưa vẫn lọ mọ giữa các hàng mộ 4-5 tiếng, có ngày tới 3 phần mộ đưa vào, một mình làm hết... những người quen biết của tôi đều phục đấy (cười).
Làm ở đây chỉ thương các con vì mẹ ít có thời gian ở bên. Con út nhà tôi ngày bé đòi mẹ suốt, may đến giờ lớn hơn, đi học rồi nên cũng hiểu cho công việc của mẹ, nhờ đó mà mình mới có thể gắn bó với công việc này cho đến hiện tại", chị My chia sẻ.