Cuộc sống du mục của những người phiêu bạt theo mùa hoa
(Dân trí) - Mưu sinh với nghề nuôi ong lấy mật, thợ nuôi ong đã chọn cuộc sống nay đây mai đó, phiêu bạt theo những mùa hoa.
Ăn, ngủ dưới tán rừng
Những ngày vừa ra Tết, dưới những tán điều rộng lớn thuộc xã Đắk R'tih (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), người nuôi ong đang cấp tập chuẩn bị cho một vụ "đánh mật" mới.
Năm nay, nhờ những cơn mưa trái mùa, hoa điều và hoa cà phê nở sớm, thợ nuôi ong rất phấn khởi vì sản lượng mật dự đoán sẽ cao hơn vụ mùa trước.
Nhẹ nhàng kiểm tra từng thùng ong, anh Phạm Duy Đông (quê Thanh Hóa) cho biết, hơn một tháng mang ong đến nuôi tại xã Đắk R'tíh, anh đã lấy được 2 lần mật. Dự kiến, sau lứa hoa cà phê cuối cùng, anh Đông sẽ lấy mật thêm một lần nữa rồi rời chỗ này sang nơi khác.
"Tôi mang lên đây hơn 400 thùng ong từ trước Tết Nguyên đán. Thời điểm trước Tết, gió lớn và trời lạnh nên lần đánh mật đầu tiên cũng không được nhiều. Tuy nhiên sau đó, cây điều và cây cà phê gặp mưa trái vụ, ra hoa sớm, ong làm được nhiều mật hơn. Lần lấy mật vừa rồi tôi thu được 1,4 tấn", anh Đông cho hay.
Đây là năm đầu tiên anh Đông cùng vợ đến Đắk Nông để nuôi ong. Hai vợ chồng thuê vườn điều của một hộ dân để đặt ong rồi dựng lều bạt ngay dưới tán điều để ở. Cuộc sống không điện, không nước sạch đã thành chuyện quen thuộc đối với những người thợ nuôi ong.
"Mỗi lần tắm rửa thì lấy can đi ra sông, suối hoặc vào các nhà dân xung quanh để xin nước. Riêng việc thắp sáng thì vợ chồng tôi dùng đèn chạy bằng pin năng lượng mặt trời, chủ yếu là để trông coi, bảo vệ đàn ong chứ buổi tối cũng không xem tivi nên không cần nhiều điện", người thợ nuôi ong với 9 năm kinh nghiệm nói.
Tại một cánh rừng cao su thuộc xã Nam Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), một nhóm thợ nuôi ong cũng tất bật cho đợt lấy mật cuối cùng.
Anh Đỗ Bá Chung (quê Đắk Lắk) cho biết, từ cuối năm trước, khi cao su rụng lá, thợ nuôi ong từ nhiều nơi đã đến đây để dựng trại, nuôi ong. Ong lấy mật từ lá và ngọn cao su non nên mỗi năm cũng chỉ có một tháng để khai thác mật dưới tán rừng cao su.
"Nghề nuôi ong nay đây mai đó, chỗ nào có thức ăn cho ong thì mình đến đó. Nuôi ong dưới tán cao su thì không phụ thuộc nhiều vào hoa, nhưng có năm ít mật, phải cho ong ăn thêm phấn hoa và nước đường", anh Chung chia sẻ.
Sống cuộc đời du mục dưới những tán rừng cao su, túp lều của anh Chung và những người thợ nuôi ong hết sức đơn giản. Lều được quây bằng bạt, ngoài một chiếc giường sắt thì xung quang đều là vật dụng của nghề nuôi ong.
Đêm xuống, nhóm thợ nuôi ong thay phiên nhau ngủ tại một chiếc võng ngoài trời vừa để trông coi ong, vừa để nhường chỗ ngủ cho người khác.
"Cuối năm gió lạnh, có đêm nhiệt độ chỉ khoảng 14 độ C, chúng tôi phải đốt lửa để sưởi ấm", một người thợ ong nói.
"Nhiều vụ trắng tay cũng phải chấp nhận"
Cách vườn điều của anh Đông không xa, vợ chồng chị Phan Thị Sương (ngụ tỉnh Bình Dương) cũng đặt hơn 400 thùng ong mật.
6 năm theo chồng rong ruổi khắp các vùng quê để tìm mật ngọt cũng là 6 năm hai vợ chồng ăn, ngủ dưới tán cao su, hồ tiêu. Vất vả, gian nan thậm chí là nguy hiểm nhưng khi cầm trên tay những cầu mật vàng óng, sóng sánh, niềm hạnh phúc lại hiện rõ trong ánh mắt đôi vợ chồng trẻ.
Chị Sương tâm sự, đối với nghề nuôi ong lấy mật, thợ nuôi ong phải hiểu được tập tính của ong. Bên cạnh đó, việc chọn địa điểm đặt đàn ong cũng rất quan trọng.
Ong cần nơi có nguồn hoa lá dồi dào, xa khu dân cư, thời tiết thuận lợi nhưng nguồn mật phải an toàn, không ảnh hưởng đến chất lượng mật cũng như sức khỏe của ong thợ.
"Ở một số vùng, người dân có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ hoa và tăng tỷ lệ đậu trái, chủ trại ong phải thường xuyên đi kiểm tra để bảo vệ đàn ong của mình. Dù cẩn thận đến đâu, nhưng đã có năm, đàn ong của gia đình tôi bị trúng độc, thiệt hại cả đàn, khiến cả nhà trắng tay", chị Sương cho hay.
Theo các chủ trại ong, những năm qua, nhu cầu sử dụng mật ong của người dân rất lớn, các thương lái đến tận vườn để thu mua.
Hiện mật ong khoảng 100.000 đồng/kg, được cho là mức giá cao, khiến người nuôi ong lạc quan về một vụ mùa thắng lợi.