Chuyện lạ nghề "làm đồ giả, ăn tiền thật" dịp Tết ông Công

Hoa Lê Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Thay vì cảnh tất bật sản xuất vàng mã cho dịp cúng ông Công, ông Táo cận kề, "thủ phủ" vàng mã lớn nhất ở Hà Nội im ắng lạ thường. Nhiều xưởng làm việc cầm chừng, chuẩn bị hàng... sau Tết.

Voi, ngựa cúng ông Công, ông Táo thất thu

Tại Hà Nội, làng nghề sản xuất vàng mã Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) nổi tiếng phân phối đồ cúng "người âm" từ bao đời nay. Dịp cúng ông Công, ông Táo, cận Tết lẽ ra là mùa vụ chính của các hộ dân làng nghề nơi đây.

Song, không nhiều gia đình trong làng nghề còn sản xuất vàng mã ông Công, ông Táo cung ứng ra thị trường. Gia đình anh Hùng cũng vậy, chủ yếu làm đồ cúng lễ phục vụ nhu cầu sau Tết Nguyên đán.

Chuyện lạ nghề làm đồ giả, ăn tiền thật dịp Tết ông Công - 1

Vàng mã được phơi khắp các ngóc ngách, đường làng (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Theo người dân địa phương, trước đây, làng Phúc Am làm nghề mây, tre đan. Khi nhu cầu thị trường ngày càng giảm, nhiều gia đình chuyển sang sản xuất vàng mã. Các ngõ ngách trong làng đều xuất hiện những hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng, nhà, xe… phục vụ cho khách hàng đi lễ đền, phủ, miếu…

Hơn 10 năm làm vàng mã, anh Hùng chứng kiến từng chút đổi thay của làng nghề. Đến nay, các gia đình trong làng vẫn chủ yếu làm đồ mã thủ công, lấy sức người làm lãi.

"Trước đây, trong làng có ít nhà theo nghề vàng mã, chúng tôi làm cả ngày không hết việc, vẫn thiếu hàng phục vụ khách. Đến nay, số lượng người làm nghề ngày càng tăng lên, công việc vì thế ít dần", anh Hùng chia sẻ.

Chuyện lạ nghề làm đồ giả, ăn tiền thật dịp Tết ông Công - 2

Gia đình anh Hùng làm vàng mã phục vụ cúng ông Công, ông Táo không nhiều (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Từ sau dịch Covid-19, nhu cầu vàng mã sụt giảm nghiêm trọng, số giờ nông nhàn của gia đình anh Hùng ngày càng nhiều hơn.

Vài năm trở lại đây, gia đình anh Hùng làm đồ mã cúng ông Công, ông Táo rất ít, chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu lễ tết của gia đình, anh em, bạn bè.

Giải thích về việc này, anh Hùng cho biết, do có nhiều làng nghề tại các địa phương khác ứng dụng máy móc vào sản xuất vàng mã cúng ông Công, ông Táo một cách đại trà nên làng nghề truyền thống khó cạnh tranh.

Bởi làm thủ công, để hoàn thành một bộ mã cúng ông Công, ông Táo, người thợ phải làm đủ công đoạn như vẽ mẫu sản phẩm, photo mẫu theo kích thước, dán mẫu vào giấy bạc, đục, cắt, dán lót giấy màu và cuối cùng mới hoàn thiện thành phẩm.

Mỗi công đoạn đều yêu cầu người thợ phải tính toán tỉ mỉ, mất nhiều thời gian, tâm sức mà giá thành sản phẩm lại không được cao.

Chuyện lạ nghề làm đồ giả, ăn tiền thật dịp Tết ông Công - 3

Vàng mã phục vụ đi lễ sau Tết Nguyên đán (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Chính vì vậy, gia đình anh Hùng chủ yếu làm vàng mã như ngựa, voi, vua, quan… phục vụ khách đi lễ đầu xuân. Để tránh việc không đủ hàng cung ứng lúc ra Tết, thời điểm này, xưởng nhà anh đã chuẩn bị sẵn nhiều đồ vàng mã khác nhau.

"Tháng Giêng, tháng Hai là vụ sản xuất vàng mã của gia đình tôi. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ra ngoài Tết là tôi phải thuê thêm 6-7 thợ", anh Hùng nói.

Nghề làm đồ mã nhiều việc không tên, tiêu tốn nhiều thời gian, tỉ mẩn suốt cả ngày. Lúc cao điểm, cả nhà anh Hùng phải làm việc miệt mài đến 2h sáng.

Vàng mã lên sàn chứng khoán

Bà Nguyễn Tân (60 tuổi) đang miệt mài phết hồ, dán giấy trắng lên thân những con ngựa khung tre to hơn người. Ngoài làm vàng mã tại nhà, gia đình bà Tân thuê thêm xưởng, mở rộng quy mô sản xuất.

Chuyện lạ nghề làm đồ giả, ăn tiền thật dịp Tết ông Công - 4

Gia đình bà Tân đã làm vàng mã hàng chục năm nay (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Bên cạnh sản xuất vàng mã cúng ông Công, ông Táo, dịp Tết, gia đình bà tập trung làm đồ lễ phục vụ khách đi du xuân, lễ cầu đầu năm.

Hầu hết các nguyên liệu như khung tre đan, giấy đều được nhập, số vốn bỏ ra không nhỏ.

"Làm nghề này tiền kiếm chỉ hơn làm công nhân một chút, được cái nhàn nhã, đỡ vất vả. Yêu cầu cao nhất với công việc là sự kiên trì, tỉ mỉ vì có nhiều công đoạn, kì công, tốn thời gian", bà Tân nói.

Những ngày này, xưởng nhà bà tập trung chuẩn bị đồ vàng mã phục vụ nhu cầu đi lễ sau Tết của khách hàng. Đây mới là chính vụ sản xuất của những người làm nghề vàng mã.

Chuyện lạ nghề làm đồ giả, ăn tiền thật dịp Tết ông Công - 5

Người dân trong làng gọi vàng mã là nghề "làm đồ giả, ăn tiền thật" (Ảnh: Sơn Nguyễn).

"Làm đồ giả, ăn tiền thật đấy", bà Tân bật cười vui vẻ. Những sản phẩm của gia đình được phân phối khắp cả nước, bất kể nơi đâu có nhu cầu.

Khi trao đổi về một doanh nghiệp vàng mã niêm yết trên sàn chứng khoán, thu về 2 tỷ đồng mỗi ngày, bà Tân hết sức tò mò. Có một chuyện bà xác nhận đúng tình hình năm nay, đó là việc doanh thu của công ty này năm nay giảm 60%, thấp nhất 10 năm qua. Diễn biến thị trường ở làng vàng mã Phúc Am cũng phản ánh tình trạng tương tự.

Người thợ vàng mã đã có nhiều chục năm làm nghề cho rằng, những đơn vị kinh doanh vàng mã mới có doanh thu "khủng", còn thợ làm nghề trực tiếp chỉ có thu nhập trung bình. Dù sao, công việc này giúp bà Tân và gia đình đủ ăn tiêu mà không phải lam lũ, vất vả quá.

Chuyện lạ nghề làm đồ giả, ăn tiền thật dịp Tết ông Công - 6

Những chú ngựa vàng mã đủ kích cỡ chờ hoàn thiện trước khi đưa đi tiêu thụ (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Cũng chính vì vậy, cả đời này bà chỉ gắn bó với việc cắt, dán đồ vàng mã, đến khi nào mắt mờ, tay run không thể tiếp tục làm việc được nữa mới thôi.

Hằng ngày, gia đình bà đón nhiều đoàn du khách tới tham quan, hiếu kì trước những đàn ngựa, voi đầy màu sắc, đủ kích thước từ nhỏ đến lớn. Thực tế, không ít khách nước ngoài đã muốn mang những sản phẩm độc đáo như vậy về nước.