Đốt vàng mã sao cho đúng?
(Dân trí) - Từ cuối năm cũ cho đến đầu năm mới là khoảng thời gian mà đa số người Việt tiếp nối tập tục truyền thống là "đốt vàng mã".
Tuy nhiên những năm trở lại đây, việc đốt vàng mã được thực hiện theo kiểu tranh nhau "hối lộ" cõi âm, mặc kệ "hao tiền, tốn của", mặc kệ ô nhiễm môi trường và đốt vàng mã không đúng nơi quy định dẫn tới tình trạng hỏa hoạn, cháy nổ,…
Thời điểm cận Tết và trong Tết là thời điểm rất khó kiểm soát việc đốt vàng mã. Tại các cơ sở thờ tự, các khu di tích lịch sử - văn hóa… vàng mã được người dân mang đến đốt với đa dạng chủng loại - từ bình dân đến cao cấp, từ "kim ngân, minh y", đến tiền polyme âm phủ, điện thoại iphone, ti vi, tủ lạnh, nhà lầu, xe hơi, máy bay…
Thậm chí có gia đình còn đốt cả hình nhân hầu gái gửi xuống âm ti, địa ngục. Chưa biết tổ tiên, dòng họ có nhận được "lòng thành" của con cháu không, còn bầu không khí trong lành, tài nguyên môi trường thì đã bị phá hủy.
Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, trong hoạt động của Phật giáo không có hình thức đốt vàng mã, khuyên người dân đến chùa chỉ nên đốt 1 nén nhang để góp phần bảo vệ môi trường. Vị hòa thượng cho rằng, không phải đốt nhiều nhang mới thể hiện được lòng thành.
Dưới góc độ luật pháp, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP thì Luật không cấm hành vi đốt vàng mã tuy nhiên, nếu đốt vàng mã không đúng nơi quy định, thậm chí gây hỏa hoạn thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Vậy có thể đốt vàng mã ở đâu thì không bị cấm? Nếu đốt vàng mã mà gây hỏa hoạn thì người đốt sẽ bị xử lý như thế nào?
Thực tế, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa có quy định cụ thể về nơi đốt vàng mã. Tuy nhiên, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy.
Luật sư Quách Thành Lực, giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tại khoản 5 Điều 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD quy định nghiêm cấm hành vi đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà chung cư, trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định tại nhà chung cư.
Người đốt vàng mã gây cháy thì căn cứ theo hành vi, mức độ thiệt hại có thể bị xem xét xử lý hành chính.
Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Hoặc bị xử phạt theo Điều 50, 51 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngoài ra, người đốt vàng mã gây hỏa hoạn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 180, Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Việc đốt vàng mã thái quá sẽ gây lãng phí và không một thánh thần nào sẽ ban tài lộc cho những người không biết trân quý tiền bạc. Vì vậy, đối với những người đã quen với tục lệ này rồi thì nên chú ý giảm lượng vàng mã đốt lại, rồi một ngày nào đó chúng ta không đốt nữa càng tốt. Khi đi đền chùa lễ bái, nên giữ một tâm thái an yên và hãy hướng đến thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, hiện đại.