Thợ làm hàng mã "tăng ca" cho kịp ngày tiễn ông Công, ông Táo

Kim Sơn

(Dân trí) - Những ngày này, người thợ làm nghề thôn Đạo Tú (Đông Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh) đang làm hết công suất để sản xuất hàng mã kịp phục vụ cho thị trường nhân ngày tiễn ông Công, ông Táo.

Thợ làm hàng mã tăng ca cho kịp ngày tiễn ông Công, ông Táo - 1

Người làm vàng mã hối hả vào vụ Tết.

Làm không xuể nhu cầu

Hộ nhà anh Nguyễn Thiện Tuyến (thôn Đạo Tú) đã có hơn 10 năm sản xuất hàng mã với mặt hàng chủ yếu của là bộ tứ linh cùng các con vật như trâu, chó, lợn, rắn.

Thợ làm hàng mã "tăng ca" cho kịp ngày tiễn ông Công, ông Táo

Để chuẩn bị cho dịp ông Công, ông Táo, từ nhiều tháng trước, anh Tuyến đã phải nhập nguyên liệu thô là các khung tre từ các thôn lân cận từ nhiều tháng trước.

Thợ làm hàng mã tăng ca cho kịp ngày tiễn ông Công, ông Táo - 2

Gia đình anh Nguyễn Thiện Tuyến chuyên làm bộ tứ linh cùng các con vật.

"Hai vợ chồng tôi chủ động làm hàng từ nhiều tháng trước rồi để tích lại cho đỡ vội. Nhưng thời điểm này đang là cao điểm, gia đình vẫn gấp rút sản xuất ra hai chục chiếc mới mỗi ngày để kịp đáp ứng nhu cầu mua nhiều của người dân", anh Tuyến cho hay.

Theo anh Tuyến, công đoạn trang trí con vật là khó nhất. Đặc biệt, phải hết sức tỉ mỉ ở khâu làm sừng, tai và mắt con trâu. Vì vậy, để làm ra những mẫu mã đẹp đòi hỏi đôi tay khéo léo của người làm.

Mỗi 1 bộ tứ linh tùy theo kích thước to hay nhỏ, anh Tuyến bán với giá dao động từ 15.000-200.000 đồng/bộ. Hàng bán chạy nên những tháng cuối năm thường mang lại thu nhập cho gia đình anh Tuyến hàng chục triệu đồng.

Thợ làm hàng mã tăng ca cho kịp ngày tiễn ông Công, ông Táo - 3

Theo anh Tuyến, công đoạn trang trí phải hết sức tỉ mỉ.

Cũng tất bật không kém gia đình anh Tuyến, vợ chồng ông Nguyễn Đức Đồng đang chia nhau ra làm những khâu cuối cùng là gắn mặt những chiếc mặt hổ vào những bộ ông Công, ông Táo trước khi đóng gói sản phẩm.

"Hộ nhà tôi dự tính sản xuất 2000 bộ. Tôi đang tính phải mướn thêm 4, 5 nhân công nữa mới kịp tiến độ trước ngày 23 tháng Chạp sắp tới", ông Đồng cho hay.

Thợ làm hàng mã tăng ca cho kịp ngày tiễn ông Công, ông Táo - 4

Hộ sản xuất nhà ông Đồng chuyên làm sản phẩm ông Công, ông Táo.

Theo ông Đồng, hai đợt Covid-19 vừa rồi cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới đầu ra của sản phẩm hàng mã. Thôn Đạo Tú luôn tấp nập kẻ bán, người mua những dịp mùng Một, ngày Rằm hay cuối năm.

Khấm khá nhờ làm hàng mã

Theo anh Nguyễn Thiện Tuyến, gần đây hàng mã phát triển hầu như quanh năm. Người dân nơi đây nhiều người đã bỏ làm ruộng cho đấu thầu những ai muốn làm trang trại hay đầm nuôi cá.

Vài chục năm trước đây, chỉ có một số hộ sản xuất vàng mã. Sau đó dần dần lan rộng ra. Nhiều người thấy làm ăn được, đến học hỏi bắt chước làm theo.

Ngoài ra, thanh niên nhiều năm đi tha hương ở các nhà máy, khu công nghiệp. Đến khi lập gia đình, nhiều người lựa chọn về quê hương theo sản xuất, buôn bán nghề này để sinh sống.

Thợ làm hàng mã tăng ca cho kịp ngày tiễn ông Công, ông Táo - 5

Hôm nay, hộ ông Đồng đã hoàn thiện xong hơn 1 nghìn bộ sản phẩm ông Công, ông Táo.

 "Cả thôn Đạo Tú hiện nay, gần 100% số hộ sống bằng nghề này. Bên cạnh đó, những con gái trong làng khi đi lấy chồng ở các thôn lân cận, sẵn tay nghề, họ cũng sinh sống bằng nghề làm hàng mã này",

Anh Tuyến cho biết thêm, ngoài sản xuất, nhiều hộ hiện nay chỉ bán buôn hoặc chuyên cung cấp nguyên liệu thô. Cả xã Song Khê thành ra một vòng liên kết sản xuất dây chuyền.

Còn theo ông Nguyễn Đức Đồng, các làng nghề dân gian như làm tranh Đông Hồ, nặn bộ phỗng đất cũng mai một dần theo thời gian. Hiện, chỉ còn một số ít gia đình trong xã còn giữ được nghề cổ truyền của ông cha.

"Tuy là nghề lâu đời từ xa xưa, nhưng vì sinh kế nhiều người phải dần dần bỏ theo nghề làm vàng mã. Bây giờ, các hộ dân nơi đây đa số đều đã có cuộc sống khá sung túc, đầy đủ", ông Đồng nói.