Chủ tịch Hà Nội truy việc nộp phiếu lý lịch tư pháp "hành" công nhân
(Dân trí) - Trước thực trạng người dân phải xếp hàng từ tờ mờ sáng để làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu tìm giải pháp.
Tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2023 diễn ra chiều 18/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhắc đến phản ánh người lao động phải xếp hàng làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp vừa qua.
Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương nêu thực trạng và hướng giải quyết.
Phó Giám đốc Sở tư pháp Hà Nội xác nhận, thời gian qua, hồ sơ đề nghị cấp giấy lý lịch tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội gia tăng đột biến. Thời điểm xảy ra hiện tượng này do học sinh, sinh viên nhập học, ra trường hoặc đi làm. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp thu hút đội ngũ công nhân tham gia.
Trong quá trình đó, có một số tổ chức, doanh nghiệp "rộ" việc yêu cầu sử dụng phiếu lý lịch tư pháp mặc dù luật tư pháp không quy định về thời hạn giá trị của thủ tục tư pháp.
"Qua kiểm tra, có doanh nghiệp yêu cầu người lao động sau 6 tháng làm việc phải có phiếu mới, dù người này vẫn làm việc bình thường tại doanh nghiệp. Như vậy, có hiện tượng lạm dụng lý lịch tư pháp", bà Hương thừa nhận.
Trước thực trạng này, Sở Tư pháp đã báo cáo UBND TP, Bộ Tư pháp đề nghị nêu rõ mục đích việc cấp phiếu lý lịch tư pháp để không gây khó khăn cho người lao động. Bởi thực tế, người lao động vẫn đang hoạt động tại doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp đã nắm được nhân thân.
Góc độ quản lý tư pháp công dân thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết việc cấp phiếu lý lịch có thể thực hiện qua hình thức trực tiếp, hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Phương thức thứ ba, người dân có thể làm lý lịch tư pháp thông qua hệ thống Dịch vụ công của Quốc gia, thành phố. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, phần mềm hệ thống dịch vụ tư pháp của thành phố mới xây dựng thử nghiệm, nhưng sử dụng còn gặp khó khăn.
Sau 2 ngày thực hiện thử nghiệm phần mềm, Sở tư pháp đã có văn bản báo cáo các cơ quan chỉ đạo xây dựng phần mềm khắc phục lỗi cho công dân, tạo điều kiện thực sự cho công dân.
Ngắt lời Phó Giám đốc Sở Tư pháp, ông Trần Sỹ Thanh chỉ rõ: "Ở đây, có chuyện "đẻ" thủ tục. Trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị lợi dụng kẽ hở "hành" công nhân".
Ông Trần Sỹ Thanh cho rằng, việc cấp giấy lý lịch tư pháp không phải vấn đề nhanh hay chậm. Doanh nghiệp, tổ chức yêu cầu người lao động phải có phiếu lý lịch tư pháp mới sau 6 tháng có đúng luật hay không?
"Lạm dụng một cách vô lối để "hành" người lao động", ông Thanh nói và yêu cầu Sở Tư pháp ghi nhận các trường hợp, báo cáo Bộ tư pháp để xử lý.
Về những vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, tư pháp… ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố cùng các Sở ngành có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc công nhân phải đến cơ quan hành chính.
Bên cạnh đó, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính công. Tháng 7, UBND Thành phố sẽ trình HĐND xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền với điều kiện làm trực tuyến. Từ đó, công nhân lao động có thể dành thời gian nhiều hơn cho hoạt động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.