DMagazine

Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân

(Dân trí) - Khi thành phố lớn nhất nước khốn đốn vì thiếu lực lượng sản xuất trầm trọng, vẫn có doanh nghiệp giữ được hơn 90% người lao động ở lại làm việc khi "bình thường mới" nhờ các giải pháp đặc biệt.

TPHCM: Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân

(Dân trí) - Khi thành phố lớn nhất nước khốn đốn vì thiếu lực lượng sản xuất trầm trọng, vẫn có doanh nghiệp giữ được hơn 90% người lao động ở lại làm việc khi "bình thường mới" nhờ các giải pháp đặc biệt.

"Chúng tôi có thiếu và đang tuyển dụng nhiều lao động, nhưng là tuyển dụng để mở rộng sản xuất sau dịch" - ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Công ty may Song Ngọc (trụ sở chính tại quận Bình Tân, TPHCM) khẳng định.

Phát hiện nhiều F0, người lao động vẫn không nghỉ việc

Trước khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, Song Ngọc có khoảng 280 công nhân. Từ ngày 22/6, nơi đây bắt đầu mô hình làm việc "3 tại chỗ" sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, tức là rất sớm so với các chỉ đạo của TPHCM. Lúc này, vì một số lý do cá nhân và gia đình, lực lượng trực tiếp tham gia sản xuất còn khoảng 80%.

Ngày 14/8, ca F0 đầu tiên xuất hiện tại nhà máy khiến số lao động giảm thêm 15% tổng nhân lực. Không nao núng, doanh nghiệp này phối hợp với ngành y tế tổ chức truy vết nhanh, chặn dịch và xốc lại tinh thần nhân viên đang lo sợ.

Do đó, dù nhà xưởng nằm ở điểm nóng của dịch bệnh với hàng ngàn ca nhiễm Covid-19, đến ngày 15/9, công ty mới phát hiện thêm 4 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. 10 ngày sau đó, nhà máy chính thức dừng làm việc "3 tại chỗ". Số lao động còn trụ lại là 70% so với lúc ban đầu (khoảng 180 người).

Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân - 1

Công ty tại Khu Công nghệ cao TPHCM dựng liều cho công nhân ở tại chỗ sau khi phát hiện các trường hợp F0, thời điểm dịch Covid-19 phức tạp (Ảnh: Hải Long)

Hiện tại, qua một tuần hoạt động trong điều kiện "bình thường mới", doanh nghiệp may này có 210 công nhân làm việc. 50 người khác thuộc diện F0, F1 chuẩn bị trở lại. Nghĩa là xuyên suốt hơn 3 tháng dịch bệnh phức tạp, công ty chỉ "rơi rụng" khoảng 20 nhân sự - một tỷ lệ rất thấp so với nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng vì "chảy máu" nhân lực.

Lý giải về việc này, ông Sơn cho biết, việc chuẩn bị thông tin kỹ lưỡng để làm công tác tư tưởng cho người lao động và chủ động nắm bắt các chỉ đạo của nhà quản lý là điều rất quan trọng.

Ông Sơn dẫn chứng, từ sau ngày 15/9, lãnh đạo công ty đã yêu cầu các bộ phận chức năng chủ động tìm cách đáp tiêu chí "4 xanh" ("thẻ xanh" Covid, nơi ở "xanh", đường đi "xanh" và nơi làm việc "xanh"), để hoạt động bình thường mới ngay khi có chỉ thị từ TPHCM.

Trong thời gian siết chặt giãn cách, công ty vẫn chăm lo đầy đủ về phúc lợi, lo tiêm 2 mũi vaccine cho người lao động sớm. Những người tạm nghỉ việc cũng được hỗ trợ tiền lương liền 3 tháng.

"Chúng tôi làm công tác tư tưởng cho công nhân về việc sống chung với dịch bệnh ngay từ đầu, nói với họ rằng nếu mình không bảo vệ bản thân tốt, không 5K tốt, có về quê hay sống ở đâu thì cũng vậy" - ông Sơn dẫn chứng.

Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân - 2
Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân - 3

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, người bỏ về quê chủ yếu là lao động tự do hoặc người làm ở các cơ sở nhỏ lẻ, các chính sách hỗ trợ và bảo hiểm không có. Với những cơ sở lớn, cơ chế lương thưởng rõ ràng sẽ ít bị ảnh hưởng hơn về việc thiếu hụt lực lượng sản xuất.

Nếu không may rơi vào tình cảnh đó, doanh nghiệp cần tính toán phương án xử lý. Một là đổi mới công nghệ, hai là đào tạo thêm cho người lao động để nâng cao năng suất. Hiện tại để kịp đáp ứng các đơn hàng của đối tác, Song Ngọc cho công nhân tăng ca thêm một tuần 3 bữa.

"Từ đây đến Tết phải làm sao cho công nhân yên tâm có thu nhập cao để lo cho gia đình. Người lao động tăng ca có thêm tiền, được lo bữa trưa tốt, tối về nhà có thể ăn nhẹ rồi ngủ, không phải lo nấu nướng nhiều, nhanh chóng tái tạo sức khỏe" - ông Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, công ty cũng khuyến khích nhân viên giới thiệu chồng, vợ, người thân vào làm, nếu chưa có tay nghề sẽ được đào tạo, sắp xếp vị trí phù hợp. Đặc biệt, công ty cũng phân tích rõ cho người lao động về "lợi" và "hại" khi lựa chọn về quê. Nếu về sẽ vừa thất nghiệp trong ít nhất 2 tháng, vừa phải tự lo hết các khoản chi tiêu thay vì ở lại và được công ty chăm lo. Đây là thiệt hại "kép"!

Ông Sơn chia sẻ, doanh nghiệp đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động mới. Chính sách thu hút nhân sự được công ty đưa ra là rút ngắn thời gian thử việc. Chỉ sau 7 ngày, ứng viên đạt yêu cầu sẽ được ký hợp đồng chính thức ngay.

Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân - 4

"Chúng tôi làm công tác tư tưởng cho công nhân về việc sống chung với dịch bệnh ngay từ đầu" - ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Công ty may Song Ngọc cho biết (Ảnh minh họa: Hải Long).

Bài học hậu Covid-19: Kết nối giữa ông chủ và người làm thuê

Ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (Đại Dũng Corp) cho biết, giữa đỉnh dịch, công ty của ông vẫn giữ được trên 90% nhân lực. Nhà xưởng rộng và đáp ứng các yêu cầu về an toàn, giãn cách, nơi này gần như không gặp khó khăn gì để lo nơi làm việc tại chỗ cho trên 1.000 con người. 

Bí quyết giữ lao động mà ông đưa ra là… "chẳng có bí quyết gì cả".

Về cơ bản, ngay từ đầu, doanh nghiệp đã giúp cho công nhân cảm thấy được an toàn, bằng cách ổn định thu nhập, tăng bữa ăn và quan trọng nhất là tăng cường chăm sóc sức khỏe như tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, thường xuyên thăm khám, hỗ trợ test sàng lọc Covid-19.

Với những lao động trở lại làm việc từ ngày 1/10 ở hai nhà xưởng tại TPHCM và Long An, công ty đã cho đăng ký, phân loại dịch tễ và hướng dẫn các quy định phòng chống dịch từ trước đó nhiều ngày. Để thực hiện tất cả biện pháp trên và đảm bảo sản xuất, cái giá mà doanh nghiệp chấp nhận đánh đổi là chi phí hoạt động bị đội lên mỗi tháng hơn 3 tỷ đồng.

Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân - 5
Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân - 6
Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân - 7

Khó khăn khác cần giải quyết của công ty là chỗ ở của nhân viên rải rác khắp nơi, việc dùng xe chung đưa rước đến nơi làm việc là vấn đề nan giải. Do đó, công ty đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người lao động để họ có ý thức tuân thủ quy tắc "một cung đường hai điểm đến".

"Bây giờ người lao động giữa TPHCM - Long An hay các tỉnh lân cận đã được đi lại bình thường. Công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và công ty vẫn chủ động định kỳ test Covid mỗi tuần. Cứ thế mà làm thôi" - ông Hùng nói.

Trao đổi với Dân trí về giải pháp khôi phục kinh tế trong tình hình mới, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) nhận định, sau đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch từ lao động cấp thấp sang hướng hiện đại hóa, sản xuất bằng máy móc hiện đại, trình độ cao.

TPHCM cũng sẽ nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng này. Bởi dù lao động phổ thông có ưu thế là giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp nhưng dần dần đã không còn phù hợp với sự phát triển chung.

Lâu nay, kinh tế thị trường vẫn vận hành một cách dễ dãi, mối quan hệ giữa ông chủ và người làm thuê chưa chặt chẽ. Khi đại dịch bùng phát mạnh, các doanh nghiệp không nắm được tình trạng công nhân của mình, không biết họ làm gì, ở đâu, có hoàn cảnh sống thế nào. Đây là điều rất nguy hiểm.

Do đó, theo ông Dũng, bài toán đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm là xây dựng mối liên hệ, sự kết nối với người lao động. Từ chuyện cơ bản nhất là điều chỉnh hợp đồng lao động đến thay đổi quy chế lao động trong mùa dịch.

Trước mắt để giải quyết vấn đề lực lượng sản xuất, nguồn lao động khả thi nhất cho doanh nghiệp tận dụng là học viên từ các trường nghề, cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật sắp tốt nghiệp. Sau dịch, họ chắc chắn sẽ quay lại TPHCM.

Chủ doanh nghiệp chi 100 triệu đồng/ngày để giữ chân công nhân - 8