Múa bút trên quả bòng Kỳ Đà, thầy đồ kiếm bộn tiền ngày cận Tết

Thanh Tùng

(Dân trí) - Nhờ tay nghề tài hoa và sáng tạo, công việc viết chữ thư pháp trên trái bòng Kỳ Đà dịp Tết mang lại nguồn thu nhập cao cho thầy đồ Hoàng Trọng Tuyển, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, anh Hoàng Trọng Tuyển - một thầy đồ nổi tiếng ở xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa - lại tất bật với công việc viết chữ thư pháp trên trái cây. Công việc này mang lại cho anh Tuyển nguồn thu nhập cao mỗi dịp Tết.

Anh Tuyển cho biết, trước đây, vào mỗi dịp cận Tết, anh thường đến các hội chợ hoa xuân hoặc đền, chùa để hành nghề viết chữ thư pháp. Vài năm trở lại đây, xu hướng người dân có sở thích tìm mua những loại quả có viết chữ thư pháp về làm mâm ngũ quả. Bởi vậy mà anh Tuyển chuyển hướng sang làm mặt hàng này để phục vụ người dân.

Múa bút trên quả bòng Kỳ Đà, thầy đồ kiếm bộn tiền ngày cận Tết - 1

Thầy đồ Hoàng Trọng Tuyển tất bật viết thư pháp trên quả bòng để kịp giao cho khách (Ảnh: Thanh Tùng).

Loại quả mà anh Tuyển sử dụng để viết thư pháp là quả bòng Kỳ Đà (thuộc họ nhà bưởi). Loại quả này có hương thơm nhẹ nhàng, vỏ màu vàng rất hợp với không khí Tết.

"Quả bòng Kỳ Đà khi đặt lên mâm ngũ quả thắp hương sẽ có mùi thơm đậm đà hơn, nên nhiều người rất thích", anh Tuyển chia sẻ.

Anh Tuyển cho biết, để có được những quả bòng Kỳ Đà ưng ý, từ giữa tháng Chạp, anh đã tìm đến một số nhà vườn ở huyện miền núi Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa để đặt mua. Mỗi quả bòng Kỳ Đà được anh sử dụng để viết chữ thư pháp có trọng lượng 3-5kg, bề mặt mềm và đều đặn, không bị trầy xước.

Múa bút trên quả bòng Kỳ Đà, thầy đồ kiếm bộn tiền ngày cận Tết - 2

Một tác phẩm chuẩn bị hoàn thiện (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo anh Tuyển, công việc viết thư pháp trên trái cây đòi hỏi kỹ thuật cao, sự khéo léo và tâm huyết. Thông thường, chữ thư pháp được anh viết trên bề mặt quả bòng thường có ý nghĩa về tài lộc, sức khỏe, phú quý, may mắn để phù hợp với nội dung ngày Tết. Ngoài ra, anh cũng sáng tác các tác phẩm theo đơn đặt hàng của khách.

"Viết chữ thư pháp trên bề mặt trái cây khó hơn nhiều so với viết trên giấy. Do bề mặt quả có hình cong nên khi viết phải tỉ mỉ đến từng chi tiết. Sau khi hoàn thiện chữ, tôi thường vẽ thêm các chi tiết như cành mai, đào, lồng đèn trang trí để tác phẩm thêm sinh động", anh Tuyển nói.

Múa bút trên quả bòng Kỳ Đà, thầy đồ kiếm bộn tiền ngày cận Tết - 3

Những quả bòng khổng lồ được anh Tuyển lựa chọn để sáng tác nghệ thuật (Ảnh: Thanh Tùng).

Trước khi sáng tác nghệ thuật, những quả bòng Kỳ Đà được thầy đồ Hoàng Trọng Tuyển đưa đi rửa sạch, sau đó dùng rượu trắng lau qua bề mặt vỏ để tạo hương thơm. 

Trung bình một ngày anh Tuyển hoàn thiện khoảng 30 tác phẩm trên quả bòng Kỳ Đà. Mỗi trái sau khi được trang trí có giá bán từ 250.000 đến 300.000 đồng, tùy thuộc vào độ phức tạp và kích thước. Dịp Tết, anh Tuyển kín đơn đặt hàng, mang về thu nhập lên đến vài chục triệu đồng.

Múa bút trên quả bòng "khổng lồ", thầy đồ kiếm bộn tiền ngày cận Tết (Video: Thanh Tùng).

"Mặc dù mới đưa hơn 100 quả bòng Kỳ Đà về nhưng tính đến ngày 23 tháng Chạp, khách đã đặt kín đơn. Các tác phẩm của tôi được nhiều khách hàng trong tỉnh đặt mua để làm quà biếu tặng người thân, bạn bè, với mong muốn mang lại may mắn và phúc lộc trong năm mới", anh Tuyển nói.