Bí kíp nấu bánh tét thơm ngon, để cả tháng không hỏng ở làng Chuồn
(Dân trí) - Sản phẩm bánh tét, bánh chưng của làng Chuồn ở xứ Huế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vào dịp Tết vì thơm ngon và có thể bảo quản dài ngày.
Làng Chuồn, thuộc thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, là một địa danh nổi tiếng của thành phố Huế. Với hơn 500 năm lịch sử, ngôi làng nằm bên bờ phá Tam Giang - Cầu Hai, nổi tiếng với các sản vật nông nghiệp như tôm, cá, nếp thơm và gạo dẻo.
Theo lãnh đạo xã Phú An, người dân làng Chuồn đã tận dụng tiềm năng địa phương để phát triển các nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng như rượu gạo, bánh xèo cá kình, bánh chưng, bánh tét. Những nghề này đã trở thành mô hình sinh kế quan trọng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Vào dịp Tết cổ truyền, người dân làng Chuồn chuẩn bị lá chuối, lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo để gói bánh tét, bánh chưng phục vụ thị trường.
Ông Huỳnh Văn Tích, một người dân địa phương, cho biết từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp là cao điểm cho việc gói bánh theo đơn đặt hàng. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cơ sở của ông dự kiến gói từ 3.000 đến 4.000 đòn bánh để cung cấp cho các tỉnh, thành phố như Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Quảng Trị, Quảng Bình.
Nghề gói bánh tét, bánh chưng ở làng Chuồn đã tồn tại hàng trăm năm và được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao từ năm 2024. Sản phẩm của làng ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường nhờ chất lượng vượt trội. Cơ sở của ông Tích mỗi năm cung ứng hơn 10.000 chiếc bánh chưng, bánh tét.
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết hiện có 15 hộ sản xuất bánh chưng, bánh tét quy mô lớn hoạt động quanh năm, cùng nhiều hộ làm nhỏ lẻ theo thời vụ. Dịp Tết, người dân Phú An còn được mời đi gói bánh tại nhiều địa phương khác.
Sau khi bánh tét được công nhận sản phẩm OCOP, xã Phú An tiếp tục đăng ký thương hiệu cho bánh chưng làng Chuồn. Địa phương cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ thương mại để quảng bá thương hiệu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Ông Huỳnh Minh Tích cho biết, trước đây người dân làng Chuồn thường sử dụng nếp Tây trồng tại vùng ruộng Cửa ở An Truyền để gói bánh tét. Đây là giống nếp đặc sản, hạt gạo to tròn, thơm, dẻo, từng được tiến vua. Ngày nay, người dân vẫn ưu tiên gạo nếp địa phương, khi thiếu mới mua thêm từ nơi khác với chất lượng tương đồng.
Các nguyên liệu làm bánh phải mua từ cửa hàng uy tín, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Mỗi gia đình có bí quyết riêng để tạo hương vị đặc trưng, nhưng đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Tích nhấn mạnh: "Chúng tôi lấy chất lượng để tạo uy tín, xây dựng thương hiệu bền vững. Bánh chưng, bánh tét dễ lên men, nếu không cẩn trọng sẽ rất nguy hiểm".
Bà Trần Thị Ty, vợ ông Tích, cho biết bánh tét làng Chuồn có đặc trưng thơm, dẻo, màu xanh tự nhiên. Khi gói bánh, người dân chọn lá chuối sứ làm vỏ, buộc vừa phải để hơi nóng thấm vào làm mềm nếp. Khi luộc, người làng Chuồn lót lá mật lục ở đáy nồi để tạo màu xanh tự nhiên và dùng nước sạch. Thời gian nấu kéo dài 12-14 tiếng.
Ngày nay, bánh chưng, bánh tét làng Chuồn không chỉ cung cấp trong thành phố Huế mà còn bán đi khắp nơi. Để vận chuyển xa, người dân cho bánh vào túi hút chân không, giúp bảo quản tốt hơn, có thể để được cả tháng.
"Khi bánh chín, người dân bỏ vào nước sạch làm nguội, rồi vớt ra chờ khô ráo mới đóng bao bì hút chân không. Nếu đóng gói khi còn nóng, bánh sẽ nhanh hư, không giữ được hương vị", bà Ty chia sẻ.