Chiến sĩ biên phòng mở lớp dạy nghề cho dân nghèo xã đảo
(Dân trí) - 12/35 học viên lớp học hớt tóc, trang điểm ở đảo Thạnh An đã mở tiệm tại nhà với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Lớp học vi tính cũng thu hút hàng trăm ngư dân đến học để nâng cao kiến thức.
Xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 70km đường bộ và khoảng 1 giờ di chuyển bằng thuyền.
Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn do chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm muối hay đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ.
Những năm trước, người dân xã đảo muốn học nghề hớt tóc, trang điểm, vi tính...phải vào trung tâm thành phố. Việc đi lại khó khăn khiến hầu hết các ngư dân đều bỏ dở giữa chừng.
Nắm bắt được khó khăn trên, từ năm 2018 đến nay, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thạnh An, Bộ đội biên phòng TPHCM đã mở nhiều lớp học nghề ngay trên đảo.
Việc làm này đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân và tạo thu nhập ổn định cho học viên khi kết thúc khóa học.
Chị Huỳnh Thị Kim Cương có ước mơ mở tiệm trang điểm, làm tóc từ nhỏ. Do mưu sinh nên nhiều lần chị tính vào trung tâm thành phố học nhưng đành bỏ ngỏ.
Việc đi lại quá mất thời gian và số tiền học phí cũng khá lớn. Khi có lớp học tại đảo, chị đăng ký tham gia ngay.
"Vừa qua mình có được học lớp nghề trang điểm làm tóc của Đồn biên phòng Thạnh An tổ chức. Sau khi nhận được chứng chỉ, mình có mở được tiệm làm tóc ngay tại nhà. Từ khi mở tiệm đã có thu nhập 4-5 triệu/tháng. Cảm ơn các chiến sĩ đồn biên phòng Thạnh An rất nhiều", chị Cương chia sẻ.
Không riêng chị Cương, 35 học viên lớp hớt tóc, trang điểm tại xã đảo đã nhận được chứng chỉ hành nghề. Được biết, 12 học viên đã mở tiệm tại nhà và có thu nhập ổn định. Mỗi dịp cuối tuần, khách du lịch cũng đến tiệm chị Cương làm tóc khá đông.
Thấy lớp học hữu ích, nhiều người dân xa xứ đến Thạnh An làm thuê cũng tìm đến lớp dạy nghề của các chiến sĩ biên phòng. Có người trước đây làm mướn cho các hộ diêm dân, hay khuân vác ở bến tàu, sau khi học đã chuyển sang nghề làm tóc.
Ngoài lớp học trang điểm, hớt tóc, lớp học vi tính cũng thu hút được người dân nơi xã đảo. 2 năm qua, khoảng 40 học viên lớp vi tính đã được cấp chứng chỉ. Hầu hết ngư dân học vi tính để học hỏi các ứng dụng kỹ thuật, khoa học để áp dụng vào việc nuôi, trồng thủy, hải sản.
Theo đại úy Bao Minh Tiến - Chính trị viên đồn Thạnh An, mong ước lớn nhất của người chiến sỹ là giúp người dân trên đảo luôn được mở mang kiến thức. Người dân có việc làm ổn định góp phần xây dựng quê hương và gia đình.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các lớp nghề cho bà con, trong đó có dạy ngoại ngữ với giáo án phù hợp với du lịch của địa bàn để bà con có thể tiếp tục đóng góp cho phát triển du lịch xã đảo trong thời gian tới", Trung tá Nhã chia sẻ thêm.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, Thượng úy Bùi Đức Sang cho biết các lớp học nghề trên đảo đều đã đạt hiệu quả cao.
Hầu hết những người học nghề xong đều có công việc ổn định. Những học viên của lớp học ngoại ngữ, tin học cũng được mở rộng thêm nhiều kiến thức bổ ích trong đời sống và công việc.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn