Chế độ với lao động nữ mang thai ra sao kể từ ngày 1/1/2021

Hải An

(Dân trí) - Lao động nữ mang thai được chuyển làm việc nhẹ và an toàn, được ưu tiên giao kết hợp đồng mới khi hợp đồng cũ hết hạn, chồng của lao động nữ mang thai được hưởng chế độ thai sản…

Đó là những điểm mới đáng chú ý trong quy định bảo vệ lao động nữ thời kỳ thai sản của Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 so với BLLĐ 2012 hiện hành.

Các quy định của BLLĐ 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Được làm việc nhẹ

Theo BLLĐ 2019, từ ngày 01/01/2021, lao động nữ làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi mang thai được chuyển sang làm công việc nhẹ, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc mỗi ngày.

Cụ thể, khoản 2 Điều 155 BLLĐ 2012 hiện hành quy định: Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 137 BLLĐ 2019 nêu rõ: Trường hợp lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết - thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Chế độ với lao động nữ mang thai ra sao kể từ ngày 1/1/2021 - 1
Bộ luật Lao động 2019 đã bảo vệ tốt hơn cho lao động nữ mang thai. Ảnh minh họa

Như vậy, BLLĐ 2019 đã nêu cụ thể, chi tiết hơn các công việc mà lao động nữ được bảo vệ thai sản và được hưởng các quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng.

Được quyết định thời gian làm thêm

Với mục đích bảo vệ thai sản tốt nhất cho lao động nữ, điểm b, khoản 1 Điều 155 BLLĐ 2012 quy định: Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

BLLĐ 2019 kế thừa quy định này, tuy nhiên đã có sự bổ sung trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu và khả năng đáp ứng của người lao động.

Theo đó, trường hợp người lao động đồng ý, người sử dụng lao động có thể sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa (điểm b, khoản 1 Điều 137 BLLĐ 2019).

Thực tế cho thấy, hiện nay, các điều kiện kinh tế- xã hội đã có nhiều tiến bộ, các giải pháp, biện pháp hỗ trợ chăm sóc con cái đã tốt hơn, hơn nữa, việc chăm sóc con cái không chỉ riêng với lao động nữ mà còn cả của lao động nam.

Do vậy, việc bổ sung quy định nêu trên vừa đáp ứng được mục đích bảo vệ tốt thai sản cho lao động nữ vừa đáp ứng được nhu cầu cũng như khả năng của người lao động.

Được ưu tiên ký hợp đồng mới

Theo quy định tại khoản 3, Điều 137 BLLĐ 2019, trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

Tuy không phải là quy định bắt buộc, nhưng với điều khoản “ưu tiên”, đây là điểm mới có lợi cho lao động nữ so với quy định của BLLĐ 2012 hiện hành.

Việc ưu tiên này cũng được xem là một trong những giải pháp mà người sử dụng lao động sẽ sử dụng để thu hút lao động; đồng thời qua đó thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.

Chồng được hưởng "chế độ thai sản"

Khoản 5, Điều 139 BLLĐ 2019 quy định, lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Việc bổ sung quy định cho phép nam giới khi vợ sinh con cũng được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong BLLĐ 2019 thực chất là viện dẫn lại quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên so với BLLĐ 2012 hiện hành, thì đây là một điểm mới đáng chú ý.

Ngoài ra, BLLĐ 2019 cũng bổ sung quy định về việc bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản. Đó là lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản (quy định tại Điều 140 BLLĐ 2019).

Việc bổ sung quy định này, góp phần bảo vệ tốt hơn cho lao động nghỉ thai sản so với BLLĐ 2012.