Chế độ thai sản khi bị gián đoạn đóng BHXH do dịch Covid-19

Bà Nguyễn Thu đóng BHXH từ tháng 6/2019, đến tháng 7/2020 muốn xin nghỉ việc. Bà sẽ sinh con vào tháng 1/2021. Từ tháng 4-6/2020, Cty bà tạm ngưng đóng BHXH và nhân viên nghỉ không lương do Covid-19.

Dự kiến tháng 7/2020, công ty sẽ đóng lại BHXH. Vậy trường hợp của bà Thu có được hưởng chế độ thai sản không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Khoản 2, Khoản 3, Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp công ty thuộc đối tượng tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngày 17/3/2020, BHXH Việt Nam có Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền quy định của pháp luật.

Theo đó, đối tượng được tạm dừng là các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo quy định tại Khoản 1, Điều 88 Luật BHXH năm 2014, các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ BHYT và BHTN để bảo đảm quyền lợi đối với người lao động.

Nếu công ty của bà làm việc thuộc đối tượng được tạm dừng đóng BHXH theo quy định nêu trên thì bà vẫn được bảo đảm quyền lợi về đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Trường hợp công ty không thuộc đối tượng tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí tử tuất

Khoản 3, Điều 85 Luật BHXH quy định: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.

Trường hợp của bà công ty cho bà nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19, nếu công ty vẫn trả lương ngừng việc cho những ngày nghỉ thì vẫn phải đóng BHXH như bình thường, vì những ngày nghỉ này người lao động có hưởng lương ở công ty (chỉ là có thể ở mức thấp hơn). Nếu công ty thỏa thuận với người lao động những ngày nghỉ này là ngày nghỉ không hưởng lương, số ngày nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên thì tháng đó người sử dụng lao động và người lao động không phải đóng BHXH. 

Trường hợp cụ thể đối với bà, nếu sinh con vào tháng 1/2021 và công ty đóng BHXH cho bà trở lại vào tháng 7/2020 đến tháng 12/2020 thì trong thời gian 12 tháng trước khi sinh (từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2020) bà có ít nhất 9 tháng đóng BHXH (từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2020 và từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2020), bà đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Theo Chinhphu.vn