Chế độ thôi việc khi công ty giải thể

Bố đẻ của ông Lê Minh Hiếu tên là Lê Quang Trung, sinh năm 1950, quê quán tại Xã Yên Lâm, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh từ năm 1973 đến năm 1975, sau đó chuyển ngạch về công tác tại Công ty Lương thực huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Năm 1992, Công ty giải thể, bố ông Hiếu chưa được hưởng chế độ vì Công ty không có kinh phí. Năm 1994, bố ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Năm 2009, bố ông Hiếu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, đóng BHXH cho đến nay.

Ông Hiếu hỏi, thời gian bố ông làm việc tại Công ty Lương thực có được tính hưởng BHXH không? Nếu UBND huyện Mỏ Cày (cũ) xác nhận bố ông chưa nhận chế độ thì có được bảo lưu để cộng dồn tiếp tục với thời gian đóng BHXH ở nơi công tác mới không? Nơi công tác mới có tiếp nhận và làm thủ tục không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời ông Hiếu như sau:

Theo đơn ông Hiếu trình bày thì Công ty Lương thực huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre giải thể năm 1992. Căn cứ quy định tại Điều 14 Quy định một số điểm cơ bản về thủ tục giải thể xí nghiệp quốc doanh bị thua lỗ nghiêm trọng ban hành kèm theo Quyết định số 315-HĐBT ngày 1/9/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) thì giá trị thu được từ việc bán tài sản của xí nghiệp, sau khi trừ các chi phí nói trên, được sử dụng theo thứ tự ưu tiên như sau:

“…. Phần còn lại đem sử dụng để giải quyết quyền lợi về mặt vật chất cho người lao động theo Quyết định số 176-HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. Nếu phần giá trị còn lại này không đủ để giải quyết quyền lợi của người lao động như đã nói trên, ngân sách tỉnh, thành phố, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, dành một khoản chi hợp lý để hỗ trợ cho việc giải quyết những quyền lợi chính đáng của người lao động”.

Theo quy định tại Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh thì người lao động nghỉ việc do sắp xếp lại lao động được hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động khi đủ điều kiện về thời gian công tác và tuổi. Những trường hợp khác được giải quyết chế độ thôi việc hoặc chế độ tạm ngừng việc (nếu tạm ngừng việc trên 3 tháng thì xem xét chuyển sang chế độ thôi việc trợ cấp một lần).

Về chế độ thôi việc: Tại Điểm a, Khoản 3 Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh quy định: “Đối với số lao động ra làm việc ở khu vực ngoài kinh tế quốc doanh được thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc thì cứ mỗi năm công tác liên tục được trợ cấp một tháng lương cơ bản cộng phụ cấp (nếu có), tối thiểu là 3 tháng, do đơn vị trả, Nhà nước trợ giúp một phần đối với đơn vị có nhiều khó khăn nhưng tối đa không quá ½ số trợ cấp, phần trợ giúp này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Trợ cấp theo chế độ này được chi trả trực tiếp một lần cho người lao động. Nếu nguồn chi trả và số tiền mặt có khó khăn thì bàn với người lao động trả rải ra một số lần”.

Theo quy định trên, các đơn vị kinh tế quốc doanh khi sắp xếp lại lao động phải giải quyết chế độ thôi việc cho tất cả những người lao động nghỉ việc hoặc người lao động ra làm việc ở khu vực ngoài kinh tế quốc doanh. Tiếp đó, ngày 24/9/1993 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành công văn số 3168/LĐTBXH-CSLĐXH, trong đó hướng dẫn:

“1. Những người đã nghỉ theo chế độ thôi việc hưởng trợ cấp một lần, đã được giải quyết đúng chính sách chế độ thì không được trả lại số tiền trợ cấp đã nhận để chuyển sang hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động; đơn vị nào giải quyết sai chế độ, chính sách thì đơn vị ấy phải chịu trách nhiệm giải quyết đúng chính sách, chế độ của Nhà nước đối với người lao động.

2. Trường hợp đơn vị có nhu cầu tuyển thêm lao động mà bố trí được việc làm cho những người lao động đã thôi việc hưởng trợ cấp một lần thì: Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh phải giao kết hợp đồng lao động, thời gian công tác để tính các chế độ đối với người được tuyển dụng lại chỉ được tính từ ngày giao kết hợp đồng lao động này; Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp thì áp dụng các quy định như trường hợp tuyển dụng lao động mới, thời gian công tác để tính các chế độ đối với người lao động chỉ được tính từ ngày tuyển dụng lại”.

Đối chiếu với quy định trên, việc bố ông Hiếu chưa được hưởng chế độ thôi việc thuộc trách nhiệm của Công ty Lương thực huyện Mỏ Cày, nay đơn vị này đã giải thể thì cơ quan chủ quản cấp trên của Công ty Lương thực huyện Mỏ Cày phải có trách nhiệm giải quyết lại đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.

Đề nghị bố ông Hiếu liên hệ với cơ quan chủ quản cấp trên của Công ty Lương thực huyện Mỏ Cày để được nhận lại trợ cấp thôi việc theo quy định. Thời gian công tác của bố ông cho đến thời điểm Công ty Lương thực huyện Mỏ Cày không được tính cộng nối với thời gian công tác đóng BHXH sau này để hưởng BHXH.

Theo Chinhphu.vn