Cà Mau: Đưa cán bộ nữ tham gia nhiều hơn vào vị trí lãnh đạo

(Dân trí) - Theo đề án sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh Cà Mau, tỉnh này từng bước áp dụng hình thức thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên để có tính cạnh tranh và tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có cơ hội cống hiến.

UBND tỉnh Cà Mau vừa triển khai thực hiện “Đề án đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015 – 2020 và những nhiệm kỳ tiếp theo” của Tỉnh ủy Cà Mau (gọi tắt là Đề án)

"Tiếng nói" cán bộ nữ, trẻ... còn hạn chế

Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Cà Mau có 25.714 người. Trong đó, cán bộ nữ 10.383 người (chiếm 40,38%), cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) có 8.188 người (chiếm 31,84%), cán bộ dân tộc thiểu số 307 người (chiếm 1,2%).

Trong Đề án, Tỉnh ủy Cà Mau đánh giá, thời gian qua, công tác quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số có nơi còn khép kín trong nguồn cán bộ của ngành, địa phương; chất lượng có nơi chưa cao, dẫn đến khó khăn trong bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt.

Cán bộ nữ phục vụ người dân đến liên hệ công tác. (Ảnh minh họa)
Cán bộ nữ phục vụ người dân đến liên hệ công tác. (Ảnh minh họa)

Tình trạng cán bộ không nằm trong diện quy hoạch; chế độ chính sách hỗ trợ trong đào tạo, luân chuyển đối với cán bộ nữ còn thấp, chưa có quy định hỗ trợ đặc thù cho cán bộ dân tộc thiểu số. Một bộ phận cán bộ nữ, trẻ, dân tộc tuy được đào tạo, bồi dưỡng đủ chuẩn nhưng năng lực thực tiễn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Cán bộ nữ, trẻ được đề bạt, bổ nhiệm tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp tỉnh còn khiêm tốn và có xu hướng giảm, chưa tương xứng với sự đóng góp và thiếu tiếng nói đại diện nữ, trẻ trong việc hoạch định những chính sách quan trọng của tỉnh.

Theo Tỉnh ủy Cà Mau, vẫn còn thực trạng nêu trên do một số quy định về quản lý cán bộ và bổ nhiệm cán bộ còn ràng buộc nên trong thực tế rất khó đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, trẻ, dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về công tác cán bộ nữ, trẻ nên còn e dè, chưa mạnh dạn giao việc để thử thách, rèn luyện.

Một bộ phận cán bộ nữ, trẻ, dân tộc chưa có ý thức tự học, tự rèn luyện và nỗ lực phấn đấu vươn lên, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, giải quyết công việc còn lúng túng, thiếu tính quyết đoán.

Chú trọng đào tạo chuyên sâu để tìm trí thức giỏi

Theo Đề án của Tỉnh ủy Cà Mau, mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu tỷ lệ nữ không dưới 30%, tỷ lệ cán bộ trẻ không dưới 20% và tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số ít nhất gấp đôi nhiệm kỳ hiện tại trong quy hoạch; cán bộ nữ, trẻ, dân tộc tham gia nhiều hơn vào các vị trí lãnh đạo các Sở, Ban ngành cấp tỉnh; riêng cơ quan, đơn vị có 30% lao động nữ thì phải có cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ;…

Đối tượng áp dụng trong Đề án đối với cấp tỉnh, cấp huyện là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng trở lên; cấp xã từ cấp ủy viên trở lên; cán bộ trẻ có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia Đề án; phải tốt nghiệp đại học chính quy hoặc tốt nghiệp đại học các cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận.

Để thực hiện những mục tiêu này, Tỉnh ủy Cà Mau yêu cầu các đơn vị, địa phương trên cơ sở quy hoạch cán bộ nói chung, giới thiệu đưa vào quy hoạch những cán bộ là nữ, trẻ, dân tộc có năng lực, trình độ, đạo đức tốt, có triển vọng phát triển ở các ngành, các cấp.

“Coi đánh giá là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ phải toàn diện, đúng thực chất, không nể nang, ngại va chạm. Hàng năm trên cơ sở đánh giá, xem xét kiên quyết đưa ra khỏi Đề án những cán bộ vi phạm đạo đức, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hoàn thành nhưng có mặt hạn chế, không có triển vọng phát triển và lựa chọn nguồn cán bộ khác thay thế”, Đề án nêu rõ.

Trên cơ sở quy hoạch, các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số cần chú trọng đào tạo chuyên sâu sau đại học để có đội ngũ trí thức giỏi; bồi dưỡng kiến thức về lãnh đạo, quản lý kỹ năng, cập nhật kiến thức mới,… trong thực thi công vụ.

Từng bước áp dụng hình thức thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên để có tính cạnh tranh và tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có cơ hội cống hiến.

Tỉnh ủy Cà Mau cũng yêu cầu thực hiện thí điểm việc luân chuyển đưa cán bộ ở cấp phòng thuộc Sở, ngành tỉnh về công tác tại các phòng, ban ngành huyện nhằm tăng cường cán bộ cho cơ sở, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh.

“Mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ, trẻ, dân tộc thiểu số có năng lực, triển vọng vào các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Từ nay đến năm 2020, rà soát bổ sung cán bộ nữ, trẻ vào cấp ủy các cấp; những địa phương chưa đảm bảo số lượng cấp ủy viên là nữ, trẻ theo quy định thì để khuyết, để tìm nhân sự nữ, trẻ bổ sung sau; nếu nguồn tại chỗ chưa đảm bảo thì tính toán luân chuyển, điều động từ nơi khác đến”, đề án nêu giải pháp.

Ngoài ra, Đề án của Tỉnh ủy Cà Mau cũng yêu cầu rà soát các chính sách, chế độ đặc thù phù hợp với điều kiện địa phương để hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ nữ, trẻ, dân tộc khi được đào tạo, luân chuyển như: Cán bộ nữ, dân tộc thiểu số trong Đề án được hưởng mức trợ cấp 0,2 lần mức lương cơ sở/người/tháng; trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ tăng thêm 0,1 lần;…

Huỳnh Hải