1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bỗng nhiên mắc nợ vì nhiệt tình làm... sản phẩm thế mạnh

Hạnh Linh

(Dân trí) - Hơn nửa năm sau khi hoàn thành thủ tục, hồ sơ được gắn sao, công nhận OCOP, nhiều chủ thể sản phẩm thế mạnh tại huyện Quảng Xương, Thanh Hóa vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Tháng 5/2023, nem chua Minh Anh của gia đình chị Đoàn Thị Thuận, thôn Tiên Vệ, xã Quảng Định, huyện Quảng Xương được UBND huyện này công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh) 3 sao.

Theo chị Thuận, khi sản phẩm được công nhận OCOP sẽ được tỉnh hỗ trợ 95 triệu đồng, huyện hỗ trợ 50 triệu đồng.

Bỗng nhiên mắc nợ vì nhiệt tình làm... sản phẩm thế mạnh - 1

Chị Thuận (áo đen) buồn bã khi trò chuyện với phóng viên về tiền hỗ trợ sản phẩm OCOP (Ảnh: Hạnh Linh).

Chị Thuận đã vay mượn, đầu tư hơn 100 triệu đồng làm hồ sơ, mở rộng cơ sở, đầu tư thêm máy móc sản xuất. Thủ tục hồ sơ đã làm xong từ giữa năm 2023 nhưng đến nay gia đình chị vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.

"Tôi nhiều lần đến UBND xã để hỏi, tuy nhiên xã cũng không biết khi nào cấp trên chi tiền hỗ trợ. Tôi mong nhận được hỗ trợ để trả nợ những khoản vay đầu tư làm sản phẩm OCOP", chị Thuận bày tỏ.

Vợ chồng anh Bùi Văn Tiến, thị trấn Tân Phong, tỏ ra mệt mỏi khi chúng tôi hỏi về số tiền hỗ trợ làm sản phẩm OCOP. Theo anh Tiến, sau khi sản phẩm bánh lá răng bừa của gia đình được công nhận OCOP 3 sao, vợ chồng anh chị lại phải hoàn thiện hồ sơ để được nhận hỗ trợ của huyện.

Bỗng nhiên mắc nợ vì nhiệt tình làm... sản phẩm thế mạnh - 2

Chủ cơ sở bánh lá răng bừa Nga My chán nản khi nhắc đến hồ sơ nhận hỗ trợ (Ảnh: Hạnh Linh).

"Cán bộ huyện yêu cầu gia đình phải có hóa đơn đỏ để chứng minh đã đầu tư máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất, trong khi gia đình tôi đã mua máy, mở rộng cơ sở từ trước khi công nhận OCOP mà không lấy hóa đơn đỏ", anh Tiến nói.

Trong cuộc đua về đích nông thôn mới nâng cao, xã Quảng Đức tìm, xây dựng sản phẩm thế mạnh. Sau nhiều lần "nâng lên, hạ xuống", địa phương này cũng xây dựng thành công sản phẩm OCOP miến gạo Dung Tháp.

Anh Lê Văn Hùng, thôn Phú Đa, chủ sản phẩm OCOP 3 sao miến gạo Dung Tháp, cho biết, gia đình không có điều kiện làm OCOP nên xã đã đứng ra hỗ trợ kinh phí, giúp làm hồ sơ.

Bỗng nhiên mắc nợ vì nhiệt tình làm... sản phẩm thế mạnh - 3

Gia đình anh Tiến mong nhận được tiền hỗ trợ khi tham gia chương trình OCOP (Ảnh: Hạnh Linh).

"Từ khi làm OCOP đến nay tôi nhận được 20 triệu đồng tiền mặt, 10 tấn xi măng hỗ trợ từ UBND xã. Tiền hỗ trợ của tỉnh, huyện chưa được nhận. Làm OCOP khiến gia đình tôi bỗng dưng mắc nợ", anh Hùng rầu rĩ nói.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức, cho rằng: "Sản phẩm của xã được công nhận OCOP từ tháng 5/2023. Mới đây, UBND xã nhận được quyết định của UBND huyện về việc sẽ hỗ trợ kinh phí thực hiện sản phẩm OCOP, còn của tỉnh thì chưa".

Ông Nguyễn Văn Hải, Chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, xác nhận, hiện tại có 11 chủ thể OCOP chưa nhận được tiền hỗ trợ của huyện, 9 chủ thể chưa được nhận tiền hỗ trợ của tỉnh.

Bỗng nhiên mắc nợ vì nhiệt tình làm... sản phẩm thế mạnh - 4

Anh Hùng mắc nợ sau khi đầu tư vào OCOP (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Hải cho biết, mới đây, UBND huyện mới nhận được tiền hỗ trợ về phát triển sản phẩm OCOP của UBND tỉnh Thanh Hóa từ Sở Tài chính, số tiền 375 triệu đồng.

"Với 375 triệu đồng chỉ đủ chi trả hỗ trợ cho 5 sản phẩm (chưa có tiền hỗ trợ khen thưởng), trong khi năm 2023, huyện Quảng Xương có 9 sản phẩm thuộc diện được UBND tỉnh hỗ trợ. Dù đã nhận tiền nhưng huyện chưa thể thực hiện giải ngân là bởi phải thông qua HĐND huyện. Tháng 4, HĐND sẽ họp bàn thứ tự ưu tiên chi trả", ông Hải nói.

Theo ông Hải, riêng tại huyện Quảng Xương, để khuyến khích các hộ dân tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 3 sao; 100 triệu đồng/sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 50 triệu đồng/sản phẩm đối với sản phẩm được công nhận lại.

Bỗng nhiên mắc nợ vì nhiệt tình làm... sản phẩm thế mạnh - 5

Anh Hùng đóng gói sản phẩm vào túi bóng bởi hộp giấy có in lô gô, nhãn hiệu OCOP đội giá (Ảnh: Hạnh Linh).

Khi tham gia OCOP, các chủ thể phải có hợp đồng, biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chứng minh cơ sở đã thực hiện việc đầu tư, mở rộng sản xuất, tham gia quảng bá sản phẩm. Điều này đang gây khó cho người làm OCOP.

Ngày 15/1, UBND huyện Quảng Xương có quyết định chi trả hỗ trợ cho 6 sản phẩm, các sản phẩm còn lại, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình lên cấp trên khi các chủ thể hoàn thành hồ sơ.  

Ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành nghị quyết về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân giai đoạn 2022-2025, trong đó quy định rõ về việc hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.

Cụ thể, hỗ trợ một lần với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để quảng bá, tuyên truyền, thiết kế mẫu mã, bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Khen thưởng một lần với mức 20 triệu đồng/sản phẩm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất có đăng ký kinh doanh đạt 3 sao, 40 triệu đồng/sản phẩm đạt 4 sao, 80 triệu đồng/sản phẩm đạt 5 sao.