Chủ tịch Bạc Liêu:

"Đừng để sản phẩm OCop công nhận rồi nằm đó, không ai biết đến"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Trước việc hàng loạt sản phẩm nông sản, thực phẩm của Bạc Liêu tiếp tục lên sàn OCop, Chủ tịch Bạc Liêu lưu ý: "Đừng để công nhận, cấp giấy chứng nhận xong rồi sản phẩm để đó, không ai biết đến".

Ngày 8/11, các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã xem xét gần 20 sản phẩm của tỉnh này lên sàn OCop (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh).

Một số sản phẩm đặc trưng của Bạc Liêu như nước mắm cá cơm, gạo, chả cá phi, tôm khô, đan đát thủ công mỹ nghệ…

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, mục tiêu của việc xây dựng, công nhận sản phẩm OCop là nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản, thực phẩm lên mức cao hơn, đạt tiêu chuẩn, được người tiêu dùng chấp nhận.

"Làm sản phẩm OCop không chỉ cho riêng mình mà còn quảng bá vùng đất và con người nơi đó, như ở Bạc Liêu là ấn tượng về những người dân sống chân chất, thật thà. Những người làm ra sản phẩm làm giàu cho chính mình và còn góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước", Chủ tịch Bạc Liêu chia sẻ.

"Xu thế hiện nay trên thế giới người ta dùng thực phẩm chú trọng chất lượng, có thể truy vết nguồn gốc. Làm sao đảm bảo chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn, giảm tỷ lệ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe người tiêu dùng", ông Thiều nhấn mạnh.

Sản phẩm OCop làm ra và được công nhận 3-4 sao phải được trưng bày, tiêu thụ, thị trường chấp nhận. Muốn làm được điều đó, các chủ thể cần phải quyết tâm, quyết liệt hơn để có chỗ đứng trên thị trường.

Đừng để sản phẩm OCop công nhận rồi nằm đó, không ai biết đến - 1

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều xem một sản phẩm thủ công mỹ nghệ (Ảnh: Huỳnh Hải).

Hiện nay mỗi xã có sản phẩm OCop riêng của mình, ông Thiều cho rằng, muốn biến đặc trưng riêng thành đặc trưng chung để người tiêu dùng yêu thích là hết sức quan trọng.

Làm ra sản phẩm OCop là cả quá trình hết sức khó khăn, chứ không đơn giản chỉ là thị trường, người tiêu dùng chấp nhận là được. Do đó, sản phẩm OCop phải có hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống.

"Người làm ra sản phẩm OCop phải bán được hàng, mở rộng sản xuất, có thu nhập cao hơn. Chứ không phải công nhận sản phẩm, cấp giấy chứng nhận rồi mà sản phẩm đó không bán được, người tiêu dùng ít biết đến thì việc công nhận cũng không ý nghĩa gì", ông Thiều thẳng thắn.