1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Dở khóc, dở cười" chuyện làm sản phẩm thế mạnh

Hạnh Linh

(Dân trí) - Áp lực về tiêu chí cứng trong xây dựng nông thôn mới khiến nhiều địa phương phải "chạy đua" để có sản phẩm OCOP (sản phẩm thế mạnh) dù đó không phải là ưu thế

Nhiều sản phẩm OCOP "hụt"

Để về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao, yêu cầu địa phương phải có sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh). Điều kiện này khiến nhiều xã tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa đau đầu.

Ông Lê Xuân Phùng, Chủ tịch UBND xã Tân Khang không giấu lo lắng khi trao đổi về nhiệm vụ xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương.

"Theo nghị quyết của Đảng bộ xã Tân Khang, xã chúng tôi sẽ về đích NTM theo tiêu chuẩn nâng cao vào năm 2025. Vì thế việc xây dựng sản phẩm OCOP trong năm nay là nhiệm vụ bắt buộc", ông Phùng nói.

Dở khóc, dở cười chuyện làm sản phẩm thế mạnh - 1

Xã Tân Khang loay hoay trong việc lựa chọn sản phẩm chủ lực (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Phùng, Tân Khang chủ yếu phát triển nông nghiệp. Theo tinh thần tại các hội nghị xây dựng NTM, huyện Nông Cống không xây dựng gạo - một loại sản phẩm đặc trưng của huyện thành OCOP. Lý do, trên địa bàn có nhiều xã gạo đã là sản phẩm OCOP.

"3 năm nay, xã đã khảo sát 4 sản phẩm để xây dựng OCOP. Khi gạo không được lựa chọn, xã chuyển hướng sang trứng gà nhưng đang tìm hiểu thì hộ gia đình có trang trại lại ngừng nuôi gà vì không hiệu quả. Xã tiếp tục xoay sang xây dựng sản phẩm OCOP bưởi, song đoàn cán bộ huyện về khảo sát kết luận sản lượng ít quá", ông Phùng liệt kê những sản phẩm OCOP "hụt".

Hiện xã hướng đến một loại quả mới là dừa xiêm. Theo ông Phùng, trên địa bàn có trang trại trồng 2.000-3.000 gốc dừa. Tại địa phương cũng chưa có xã nào chọn dừa xiêm làm sản phẩm OCOP.

Dở khóc, dở cười chuyện làm sản phẩm thế mạnh - 2

Gạo nếp Cung Điền là phẩm OCOP của xã Minh Nghĩa (Ảnh: Hạnh Linh).

"Xã bối rối tìm sản phẩm chủ lực, hy vọng dừa xiêm có thể xây dựng thành OCOP", ông Phùng nói.

Ông Phan Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, cho biết việc lựa chọn sản phẩm chủ lực của địa phương cũng rất khó.

"Ban đầu xã lên ý tưởng lấy con tép để làm sản phẩm OCOP mắm tép nhưng sản lượng thấp. Tiếp đến, quả mít được chọn là sản phẩm chủ lực cũng lại gặp khó khi vùng nguyên liệu trồng mít đang bị thu hẹp", ông Lộc nói.

"Gánh nặng" OCOP?

Trong 3 năm, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Minh Nghĩa thử nghiệm 6 loại giống lúa nếp mới, tìm ra được sản phẩm đặc trưng là lúa nếp Nhung. Đơn vị này đặt tên sản phẩm chủ lực của địa phương là gạo nếp đặc sản Cung Điền để phát triển thành OCOP.

Dở khóc, dở cười chuyện làm sản phẩm thế mạnh - 3

Sản phẩm OCOP được bày bán sơ sài ở một góc của HTX (Ảnh: Hạnh Linh).

Tháng 8/2023, gạo nếp đặc sản Cung Điền được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là một trong những điều kiện giúp Minh Nghĩa về đích NTM nâng cao vào quý I/2024.

Theo ông Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa, sản phẩm đặc trưng của quê hương chưa phát triển, mang lại giá trị được như kỳ vọng.

"Hiện sản phẩm OCOP của địa phương đã bày bán ở quầy hàng HTX và gửi bán ở 2 siêu thị mini trên địa bàn huyện. Sản phẩm bán chậm, chủ yếu để làm quà biếu", ông Tùng nói.

Gian hàng sản phẩm OCOP của xã Minh Nghĩa còn hơn cả sơ sài, khó có thể nghĩ đây là nơi bán sản phẩm chủ lực. Tại nơi bán hàng có 2 bao tải gạo đặt dưới nền gạch, cùng 6 túi gạo được đóng nhãn OCOP. 

Dở khóc, dở cười chuyện làm sản phẩm thế mạnh - 4

Nông Cống là vựa lúa của xứ Thanh, song huyện này đang hạn chế phát triển gạo thành sản phẩm OCOP (Ảnh: Hạnh Linh).

Cũng trong cuộc chạy đua để kịp về đích NTM nâng cao vào cuối năm 2023, xã Tượng Văn (Nông Cống) trình hội đồng chấm OCOP sản phẩm gạo sạch vùng triều Tượng Văn. Tháng 8/2023, sản phẩm này được công nhận OCOP 3 sao.

"Nếu địa phương chưa thực hiện mục tiêu về đích NTM nâng cao thì đơn vị chưa xây dựng sản phẩm OCOP vì chưa hoạch định, định hướng rõ ràng cho sản phẩm", ông Lâm Xuân Lai, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tượng Văn giải thích.

Theo ông Lai, từ khi chấm điểm, được gắn sao OCOP, HTX chỉ sản xuất được khoảng 2 tấn gạo, chủ yếu làm quà biếu và chưa bán sản phẩm ra thị trường. Ông Lai lo lắng về hiệu quả sản phẩm OCOP của đơn vị.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 464 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 56 sản phẩm 4 sao và 407 sản phẩm 3 sao.

Ông Đỗ Quang Trung, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Cống, thừa nhận nhiều địa phương lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm chủ lực. OCOP là chương trình có ý nghĩa lớn và OCOP không phải là gánh nặng khi địa phương có định hướng rõ ràng, hiểu được chu trình phát triển của một sản phẩm.

"Nhiều địa phương không định hướng được sản phẩm chủ lực. Thậm chí cứ nghĩ có sản phẩm thì mới làm, không nghĩ đặc thù, lợi thế của mình là gì để xây dựng. Thực tế, tất cả các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày tại địa phương đều manh nha trở thành OCOP", ông Trung nói.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa, cho biết chỉ tiêu về đích NTM, NTM nâng cao phải có sản phẩm OCOP tạo nên sức ép. Tuy nhiên, nếu không tạo áp lực, sức ép, không gắn OCOP vào xây dựng NTM, NTM nâng cao thì các xã sẽ không làm OCOP.

Dở khóc, dở cười chuyện làm sản phẩm thế mạnh - 5

Nhiều địa phương ở Thanh Hóa đang gặp khó khi tìm sản phẩm chủ lực, xây dựng thành OCOP (Ảnh: Hạnh Linh).

"Gắn OCOP vào xây dựng NTM, NTM nâng cao là để nâng cao chất lượng sống, góp phần nâng cao trình độ dân trí, cải thiện thu nhập cho nhân dân", ông Anh phân tích.

Theo ông Anh, nhiều địa phương cứ "ngồi chờ sung rụng" không chịu nghĩ xem thế mạnh của mình là gì để làm. Lãnh đạo xã chưa thực sự tâm huyết, chưa nhận thức sâu sắc về OCOP nên lúng túng trong thực hiện.