1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đồng bào Ma Coong hái thứ cây mọc khắp rừng, tạo sản phẩm OCOP 3 sao

Tiến Thành

(Dân trí) - Với sản phẩm măng rừng sấy khô đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đồng bào Ma Coong nơi biên giới tỉnh Quảng Bình đã có thêm nguồn thu nhập, tạo sinh kế lâu dài để từng bước giảm nghèo.

Thượng Trạch là một xã miền núi thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, đây là nơi sinh sống của đồng bào Ma Coong. Từ xa xưa, người Ma Coong luôn coi măng rừng là một món quà thiên nhiên ban tặng và là một loại thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày.

Đồng bào Ma Coong hái thứ cây mọc khắp rừng, tạo sản phẩm OCOP 3 sao - 1

Măng có rất nhiều tại khu vực rừng ở biên giới Quảng Bình (Ảnh: T.H).

Qua nghiên cứu, xác định lợi thế địa phương, kỳ vọng tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho bà con dân tộc, tháng 6/2021, chính quyền xã Thượng Trạch đã quyết định thành lập Hợp tác xã Cà Roòng để chế biến măng, đầu tư máy móc sản xuất, sấy ép, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng bao bì, nhãn mác nhằm nâng cao giá thành.

Các thành viên của hợp tác xã cùng với các hộ gia đình trên địa bàn toàn xã Thượng Trạch được chia thành các nhóm: Khai thác, sơ chế, đóng gói... để tạo ra sản phẩm. Mỗi ngày, hợp tác xã thu mua từ 300-600kg măng của người dân trên địa bàn với giá 4.000 đồng/kg măng tươi và 400.000 đồng/kg măng khô, bước đầu đã tạo nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người dân.

Đồng bào Ma Coong hái thứ cây mọc khắp rừng, tạo sản phẩm OCOP 3 sao - 2

Có hợp tác xã chế biến, đồng bào dân tộc đã có thêm nguồn thu nhập thông qua việc hái măng rừng (Ảnh: T.H).

Ông Đinh Tiếng, ở bản A Ky, xã Thượng Trạch cho biết, trước đây, việc hái măng rừng chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày, thì nay, bà con chăm chỉ hái măng rừng vì có thể kiếm thêm thu nhập. Hợp tác xã Cà Roòng đã đi thu mua giúp bà con, đem về phơi sấy, tạo ra sản phẩm ngon, sạch đưa về miền xuôi bán, góp phần đem lại thu nhập cho đồng bào nơi biên giới.

Đến nay, từ cây măng mọc ở khắp núi rừng biên giới, đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch đã tạo ra sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với tên gọi măng khô Cà Roòng.

Đồng bào Ma Coong hái thứ cây mọc khắp rừng, tạo sản phẩm OCOP 3 sao - 3

Măng được chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm (Ảnh: T.H).

Bà Y Buốt, ở bản Nịu, xã Thượng Trạch, thành viên của Hợp tác xã Cà Roòng cho biết, sản phẩm măng rừng cũng theo mùa, thời tiết thất thường nên việc duy trì sản xuất cũng không hề đơn giản. Bà Y Buốt cũng như người dân địa phương cùng với hợp tác xã nỗ lực đưa sản phẩm đến một số siêu thị, cửa hàng giới thiệu nông sản sạch và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

"Bà con đi lấy số lượng măng cũng nhiều, có khi đi cả gia đình mỗi ngày được 2 đến 3 bao to, thu nhập từ 500.000-600.000 đồng. Từ khi có hợp tác xã, cách nghĩ về làm kinh tế của bà con cũng thay đổi nhiều rồi. Dân bản cũng trồng nhiều sắn, keo phát triển kinh tế nhưng việc lấy măng rừng cho thu nhập nhiều hơn cả", bà Y Buốt chia sẻ.

Có thể nói mô hình măng khô Cà Roòng là một hướng đi mới cho bà con đồng bào Ma Coong vùng biên giới Quảng Bình, góp phần hỗ trợ sinh kế, hưởng ứng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đồng bào Ma Coong hái thứ cây mọc khắp rừng, tạo sản phẩm OCOP 3 sao - 4

Măng rừng của đồng bào Ma Coong đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với tên gọi măng khô Cà Roòng (Ảnh: T.H).

Ông Lê Công Toán, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình, tập huấn hướng dẫn bà con sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Theo ông Toán, huyện sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 94 sản phẩm OCOP, trong đó, nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc ở miền núi. Vừa qua, tỉnh Quảng Bình ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.