1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ngãi:

“Bẫy đèn” rực sáng trên ruộng hành Lý Sơn

Quốc Triều

(Dân trí) - Những ngày tháng 9 này, mỗi đêm, hàng chục ha ruộng trồng hành tím trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại rực sáng ánh đèn. Đây là cách người làm nghề trồng hành “bẫy” bướm, rầy cho cây trồng.

“Bẫy đèn” thắp sáng ruộng hành Lý Sơn

Huyện đảo Lý Sơn có 300 ha đất trồng hành, tỏi. Mỗi năm người dân trồng 1 vụ tỏi, 3 vụ hành. Cây hành, tỏi thường xuyên bị sâu bệnh tấn công khiến năng suất giảm. Để phòng trừ, người dân buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân. Do đó, người nông dân Lý Sơn đã chuyển sang dùng “bẫy đèn” phòng trừ sâu bệnh.

“Bẫy đèn” rực sáng trên ruộng hành Lý Sơn - 1

Cánh đồng hành trên đảo Lý Sơn rực sáng ánh đèn

Gia đình chị Ngô Thị Luyện (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) có 3 sào đất trồng hành. Để phòng trừ sâu bệnh, chị Luyện lắp 21 “bẫy đèn”.

Nói là bẫy nhưng thật ra chỉ là bóng đèn tiết kiệm điện loại công suất lớn. Bóng đèn được treo cách nhau khoảng 10 m, ở độ cao khoảng 3 m.

“Bẫy đèn” rực sáng trên ruộng hành Lý Sơn - 2

"Ánh đèn thu hút các loài bướm, rầy. Bướm đêm cứ bay quanh bóng đèn rồi rơi xuống đất. Do đó bướm không đẻ trứng vào cây hành nên rất ít sâu bệnh. Cách làm này vừa tăng năng suất cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”, chị Luyện cho biết.

Mỗi sào hành được lắp đặt từ 7 - 10 bẫy đèn. Tổng chi phí lắp đặt khoảng 3 - 4 triệu đồng. Tuy nhiên, dùng “bẫy đèn” giúp người dân tiết kiệm được từ 2 - 3 triệu đồng tiền công, thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Trong khi đó “bẫy đèn” có thể sử dụng liên tục nhiều năm liền. Tính ra việc dùng bẫy đèn vừa có lợi về mặt kinh tế, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

“Bẫy đèn” rực sáng trên ruộng hành Lý Sơn - 3

Người dân dùng đèn để bẫy bướm, rầy nhằm hạn chế sâu bọ trên cây hành

Theo ông Nguyễn Văn Nghi (thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn), việc sử dụng “bẫy đèn” rất có hiệu quả trong phòng trừ sâu bệnh cho ruộng hành. Lượng bướm bị ánh đèn dẫn dụ rồi rơi xuống đất rất nhiều.

“Cách làm đơn giản nhưng hiệu quả rất cao. Tính ra nó hạn chế được khoảng 50% lượng sâu, rầy so với trước kia”, ông Nghi nói.

“Bẫy đèn” rực sáng trên ruộng hành Lý Sơn - 4

"Bẫy đèn" hạn chế được 50% nguy cơ sâu bọ phá hại ruộng hành

Ông Võ Trí Thời - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, trước kia ruộng hành của người dân thường bị sâu, rầy tấn công làm hao tốn công sức, chi phí và ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Do đó, người dân Lý Sơn đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương để ứng dụng phương pháp bẫy sâu bọ bằng ánh sáng.

Bước đầu cho thấy, phương pháp này rất hiệu quả. “Bẫy đèn” giảm được công lao động, hạn chế tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hành, tỏi an toàn. 

“Bà con đang nhân rộng phương pháp chong đèn trên đồng vào ban đêm để phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Huyện cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân phải đảm bảo an toàn điện khi thực hiện việc này”, ông Thời nói.

Lý Sơn hiện có trên 20% diện tích đất trồng hành được nông dân lắp “bẫy đèn”. Chi phí lắp “bẫy đèn” không cao nhưng hiệu quả mang lại rất lớn nên phương pháp này đang được người nông dân Lý Sơn nhân rộng.