Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
(Dân trí) - Tại cuộc họp chiều ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không thay đổi, tương tự như năm 2020.
Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục ra đề thi thống nhất trên cả nước, các địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi.
Đề xuất các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh
Chiều 23/9, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Hội đồng.
Tại đây, Bộ GD&ĐT đã báo cáo phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm tới vẫn có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh giáo dục THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh GDTX.
Trong năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn này, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức xây dựng, cung cấp đề thi cho các địa phương và hỗ trợ xây dựng ngân hàng câu hỏi các tỉnh đủ điều kiện chủ trì ra đề thi các năm sau.
Một điểm mới được Bộ GD&ĐT đề xuất tại cuộc họp trên là sẽ chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không kết hợp sử dụng kết quả học tập lớp 12 của thí sinh như trước đây.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tính điểm xét tốt nghiệp bao gồm kết quả thi và kết quả học tập lớp 12 là tốt, thể hiện được đánh giá quá trình nhưng có ý kiến ủng hộ Bộ GD&ĐT. Vấn đề này sẽ được quyết định sau năm 2021.
Về tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT đề xuất thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định.
Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục sử dụng các phương thức: tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được Bộ GD&ĐT công nhận hoặc do các tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá… và kết hợp giữa các phương thức trên.
Ủng hộ tiếp tục tổ chức kì thi
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các thành viên Hội đồng tập trung thảo luận, cho ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và những năm tiếp theo.
Hầu hết các ý kiến đề nghị tiếp tục giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020, đồng thời Bộ GD&ĐT tăng cường chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và GS.TS Nguyễn Lân Dũng khẳng định, chỉ có qua kỳ thi mới đánh giá được môn học nào, lĩnh vực nào, địa phương nào còn yếu.
GS.TS Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, qua 6 năm thực hiện lộ trình đổi mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.
“Nếu kỳ thi tổ chức thi như năm nay thì đáp ứng được khoảng 80% yêu cầu của các trường đại học”, GS.TS Hoàng Minh Sơn trao đổi.
Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nêu quan điểm: “Nhiều ý kiến cho rằng đỗ trên 90% không cần tổ chức kỳ thi nhưng không thi không được vì nếu không thi, các em sẽ không học, không chuẩn bị được đầy đủ kiến thức để học ở bậc cao hơn. Tôi cũng ủng hộ chủ trương thi trên máy tính.
Vì những người dân nghèo, vì sự công bằng cho tất cả thí sinh, kỳ thi nên được tiếp tục tổ chức như năm nay với một số điều chỉnh kỹ thuật”.
Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), nếu không tổ chức kỳ thi thì không chỉ học sinh không có động lực học tập, các thầy cô cũng sẽ không nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp chúng ta đánh giá được hệ thống giáo dục. Đây còn là cơ sở, tạo động lực thúc đẩy, tạo ra sự tiến bộ trong quá trình dạy và học của các thầy cô giáo lẫn học sinh.
“Tiếp tục tổ chức kì thi nhưng phải đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, không gây áp lực cho thí sinh, tốn kém cho xã hội, đánh giá được chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông.
Chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội”, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, qua 6 năm thực hiện, lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia đến lúc này đã hoàn thành, việc tổ chức kỳ thi sau năm 2020 cơ bản ổn định. Bộ GD&ĐT tập trung chủ yếu vào 2 khâu: Ngân hàng đề thi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
“Vì vậy, phương án tổ chức kỳ thi năm 2021 giữ ổn định, không gì thay đổi, giống như kỳ thi năm 2020”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng ngân hàng đề thi ngày càng phong phú, có lộ trình công khai để thí sinh học, ôn luyện.
Đặc biệt, Bộ cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, có lộ trình tiến tới thi qua máy càng nhiều càng tốt, thi nhiều đợt trong năm, thi qua các trung tâm khảo thí độc lập, thi tại trường.
“Năm nay dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng chúng ta đã tổ chức tốt kỳ thi và các trường đại học đang thực hiện xét tuyển theo tiến độ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo Chính phủ về 6 năm thực hiện đổi mới thi”, Phó Thủ tướng nói.