1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa:

Băn khoăn lao động tự do, làm nhiều nghề có được nhận hỗ trợ?

Bình Minh

(Dân trí) - "Chúng tôi đang có 2 vấn đề băn khoăn là người lao động vừa làm nông nghiệp vừa làm các nghề phụ như thợ xây, buôn bán hàng rong, bốc vác… thì có được xét hỗ trợ không?" - người dân nêu câu hỏi.

Chật vật trong những ngày giãn cách

Chị Mai Thị Ngọc Ánh (xã Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn) mở tiệm cắt tóc, gội đầu. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động của tiệm cũng chững lại. Cuối tháng 8 vừa qua, do dịch diễn biến phức tạp, tiệm của chị Ánh phải đóng cửa cho đến ngày 15/9. Không có thu nhập nhưng chị vẫn phải đóng khoản thuê mặt bằng.

Ông Nguyễn Khắc Đình (xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống) làm nghề thợ xây ở Hà Nội. Nhiều tháng qua, dịch Covid-19 khiến Hà Nội và quê ông đều phải giãn cách.

Băn khoăn lao động tự do, làm nhiều nghề có được nhận hỗ trợ? - 1

Anh Nguyễn Văn Hùng và nhiều lao động bốc vác tại chợ đầu mối mong sớm nhận được hỗ trợ do bị mất việc trong thời gian giãn cách xã hội.

"Khi dịch Covid-19  tại Hà Nội diễn biến phức tạp, tôi về quê và đi làm thợ xây cho một số công trình lân cận, thế nhưng vừa qua Nông Cống cũng giãn cách gần một tháng. Mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ chờ vào nguồn thu nhập của tôi nhưng dịch khiến tôi không có việc làm, cuộc sống vô cùng khó khăn", ông Nguyễn Khắc Đình nói.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Đình, không riêng gì bản thân ông mà rất nhiều người dân trong xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống đều có nghề chính là thợ xây. Dịch xảy ra khiến họ không có việc làm, không có thu nhập và rất cần được Nhà nước hỗ trợ sớm.

Hàng loạt lao động làm bốc vác tại chợ đầu mối Thanh Hóa cũng cho biết, thời gian giãn cách xã hội tại thành phố khiến họ bị mất việc làm, cuộc sống lâm vào khó khăn.

"Người lao động như chúng tôi ráo mồ hôi là hết tiền, vì thế khi phải nghỉ việc dù chỉ là một ngày cũng đã thấy chật vật lắm rồi. Chúng tôi rất mong muốn sớm được hỗ trợ", anh Nguyễn Văn Hùng, lao động bốc vác tại chợ đầu mối Thanh Hóa bộc bạch.

Sẽ không để sót đối tượng

Theo ông Vũ Đình Thịnh, Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Sầm Sơn, qua rà soát, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn có khoảng 250 người. Những lao động này ở các ngành nghề như: Thợ cắt tóc, gội đầu, nhân viên massage, nhân viên, huấn luyện viên…

Băn khoăn lao động tự do, làm nhiều nghề có được nhận hỗ trợ? - 2

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống băn khoăn việc những người vừa làm nông nghiệp vừa làm thợ xây có được nhận hỗ trợ?

"Hiện UBND các xã, phường đang khẩn trương tiến hành hướng dẫn, thu hồ sơ và tổ chức xét duyệt báo cáo UBND thành phố để người lao động sớm được tiếp cận hỗ trợ", Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố Sầm Sơn cho biết thêm.

Theo ông Lê Đình Bốn, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Cống, do huyện mới phải giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 nên hiện nay các địa phương đang trong quá trình rà soát.

"Chúng tôi đang có 2 vấn đề băn khoăn là người lao động vừa làm nông nghiệp vừa làm các ngành nghề quy định tại điểm 1 điều 1 Quyết định số 18/QĐ-UBND của tỉnh Thanh Hóa như thợ xây, buôn bán hàng rong, bốc vác… thì có được xét hỗ trợ không.

Vấn đề thứ 2 là Nông Cống phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 16+, người lao động đều mất việc làm và đều khó khăn. Vậy người lao động gặp khó khăn ở mức độ nào thì được hỗ trợ. Hiện những băn khoăn này đã được Phòng gửi Sở LĐ-TB&XH để có cơ sở chắc chắn khi rà soát, tránh bỏ sót đối tượng", ông Lê Đình Bốn cho biết thêm.

Liên quan đến những băn khoăn trên, theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ lần này mở rộng nên chủ yếu đối tượng do hội đồng tại các địa phương xét duyệt. Tỉnh giao trách nhiệm cho địa phương bình xét trên cơ sở đúng 7 nhóm đối tượng.

"Cấp xã thành lập hội đồng, có đủ các thành phần. Hội đồng bình xét sẽ nắm bắt được người lao động thu nhập chính từ nghề gì nên nếu người lao động vừa làm nông nghiệp nhưng thu nhập chính từ thợ xây thì họ vẫn được duyệt. Đối với trường hợp khó khăn hay không khó khăn, hội đồng bình xét cũng sẽ nắm được trên thực tế.

Sau khi bình xét xong, niêm yết 2 ngày công khai, nếu không đúng đối tượng, người dân sẽ có ý kiến ngay. Như vậy, sẽ không bị bỏ sót đối tượng xứng đáng mà không được hưởng", ông Lê Đình Tùng khẳng định.

Cũng theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, cứ đưa ra tiêu chí cứng nhắc chưa hẳn đã xét duyệt đúng đối tượng mà trên cơ sở thực tế sẽ thuyết phục hơn.