Hà Nội nới lỏng giãn cách: Người không hết việc, người vẫn chênh vênh

Lê Đình Hùng

(Dân trí) - Người lao động tại Hà Nội trở lại với công việc ngay sau khi thành phố quyết định nới lỏng giãn cách. Nhiều công việc bận rộn, làm việc không nghỉ nhưng cũng có những nơi... ngồi chờ khách.

Người làm không hết việc

Sau gần 2 tháng tạm dừng hoạt động để phòng tránh lây nhiễm Covid-19, bắt đầu từ 6h ngày 21/9, Hà Nội cho phép dịch vụ cắt tóc, gội đầu và một số ngành nghề khác được hoạt động trở lại.

Theo anh Nguyễn Quang Quân, chủ một cửa hàng cắt tóc tại đường Bưởi (phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), từ sáng đến tối những ngày này, công việc liên tục.

"Do mấy tháng nghỉ dịch không được cắt tóc nên kể từ khi quán được phép hoạt động trở lại người dân đến quán tôi làm đầu rất là nhiều", anh Nguyễn Quang Quân chia sẻ.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Người không hết việc, người vẫn chênh vênh - 1

Anh Nguyễn Quang Quân đang làm tóc cho khách hàng (Ảnh: NVCC).

Anh Nguyễn Quang Quân đã kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được 3 năm nay. Trước khi dịch bệnh bùng phát, cửa hàng của anh có 2 nhân viên nhưng đã về quê hết sau gần 2 tháng nghỉ dịch.

Dịch bệnh căng thẳng, nhân viên cũ mỗi người một nơi. Việc tìm nhân viên mới gặp nhiều khó khăn khiến cho anh luôn trong trạng thái làm việc bận rộn cả ngày.

Anh hy vọng rằng từ nay đến Tết dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát để tất cả mọi người có thể trở lại làm việc bình thường.

Cũng giống như anh Nguyễn Quang Quân, anh Ngô Đức Luân - chủ cửa hàng sửa xe máy trên đường Nguyễn Văn Giáp (Cầu Diễn, Hà Nội) - đã phấn khởi khi được đi làm trở lại.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Người không hết việc, người vẫn chênh vênh - 2

Cửa hàng sửa xe máy của anh Ngô Đức Luân (Ảnh: NVCC).

"Vì nghỉ dịch lâu cho nên nhu cầu rửa xe và sửa xe của người dân tăng cao khi thành phố nới lỏng giãn cách. Chính vì vậy, cửa hàng của tôi 2 hôm nay lúc nào cũng rất đông", anh Nguyễn Quang Luân chia sẻ.

Anh cho biết, sau gần 2 tháng phải tạm dừng hoạt động anh vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng. Vì thế, việc được mở cửa hàng trở lại khiến cho anh bớt đi phần nào khó khăn về tài chính.

Bên cạnh đó, việc nhân viên của cửa hàng kịp đi làm trở lại cũng đã giúp anh Nguyễn Quang Luân nhanh chóng bắt nhịp và vận hành cửa hàng như lúc bình thường.

Người vẫn chênh vênh

Chị Dương Thị Khánh Nhâm (phố Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) vốn làm nghề giúp việc trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Người không hết việc, người vẫn chênh vênh - 3

Chị Dương Thị Khánh Nhâm bên quán trà đá mới mở trở lại (Ảnh: NVCC).

Sau gần 2 tháng nghỉ dịch, chị bị mất việc và phải mở tạm một quán trà đá ở trong ngõ để mưu sinh.

"Ngõ nhà tôi vẫn đang có rào chắn nên cũng chẳng bán được nhiều. Từ sáng đến tối cũng chỉ có mấy người quen trong xóm ra ngồi uống trà đá", chị Dương Thị Khánh Nhâm tâm sự.

Chồng chị đang thất nghiệp, do đó thu nhập từ tiền bán trà đá chính là nguồn sống trong lúc này của cả gia đình.

Khó khăn là thế tuy nhiên chị Dương Thị Khánh Nhâm vẫn bày tỏ sự phấn khởi sau thời gian dài phải giãn cách vì theo như chị nói thì: "Cứ ngồi không thì sốt ruột lắm".

Làm công việc lái xe ôm truyền thống đã được hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Huy Quang (phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng lâm vào cảnh thất nghiệp đã 2 tháng nay. Ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách anh đã chờ sẵn ở trên phố Đào Tấn (Hà Nội) để đón khách.

Hà Nội nới lỏng giãn cách: Người không hết việc, người vẫn chênh vênh - 4

Anh Nguyễn Huy Quang (Ảnh: NVCC).

Thế nhưng, do tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên công việc lái xe ôm truyền thống của anh Nguyễn Huy Quang vẫn đang rất bấp bênh. Mấy ngày nay, anh Quang chỉ đi được 2 cuốc khách mà lại toàn là khách quen.

Tuy công việc vất vả, khách lại ít nhưng anh Nguyễn Huy Quang vẫn bày tỏ sự vui mừng khi được đi làm trở lại vì: "Được đi ra ngoài, tôi cảm thấy mọi thứ đỡ ngột ngạt hơn".