9 ngành dịch vụ của TPHCM cần tuyển gần 100.000 người
(Dân trí) - 6 tháng cuối năm, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu tại TPHCM cần 92.000-97.000 chỗ làm việc, chiếm 60,04% tổng nhu cầu nhân lực.
Theo báo cáo thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố có dấu hiệu phục hồi rõ rệt với lượng khách quốc tế và nội địa tăng lên. Từ đó, các dịch vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn và vận tải cũng hưởng lợi từ xu hướng này.
Kết quả khảo sát của Falmi cho thấy, nhu cầu tìm việc của người lao động có xu hướng tăng ở các ngành, lĩnh vực kinh doanh thương mại; hành chính - văn phòng - biên phiên dịch, kế toán - kiểm toán, marketing, nhân sự, quản lý điều hành, công nghệ thông tin…
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp theo ngành nghề trong 6 tháng đầu năm cũng tập trung vào các nhóm ngành kinh doanh, thương mại với nhu cầu gần 46.000 chỗ làm việc, chiếm 28,98% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các vị trí như: Nhân viên bán hàng và tư vấn bán hàng; nhân viên kinh doanh; nhân viên giám sát bán hàng; cộng tác viên bán hàng trên mạng; nhân viên mua hàng…
Nhóm ngành dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Doanh nghiệp cần gần 20.800 chỗ làm việc, chiếm 13,07% tổng nhu cầu nhân lực.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các vị trí: Nhân viên giao hàng; nhân viên bảo vệ; nhân viên đóng gói hàng hóa; nhân viên chăm sóc sắc đẹp, nhân viên dọn dẹp vệ sinh; công việc dịch vụ thêm ngoài giờ hành chính…
Dự báo trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu nhân lực vẫn tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ. Falmi dự báo các doanh nghiệp cần tuyển dụng khoảng 103.000-108.000 chỗ làm việc ở khu vực này, chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố.
Riêng nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố là khoảng 92.000-97.000 chỗ làm việc, chiếm 60,04% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố.
Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm 25,38%; vận tải, kho bãi chiếm 2,09%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 3,84%; thông tin và truyền thông chiếm 5,18%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 5,33%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 9,93%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 5,61%; giáo dục và đào tạo chiếm 1,85%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 0,83%.
Từ dự báo trên, Falmi đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM tiếp tục tổ chức các sàn giao dịch việc làm, tập trung kết nối lao động các ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng cuối năm; cụ thể là các ngành bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản…