4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM cần thêm 24.000-25.000 lao động

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Dự báo trong 6 tháng cuối năm, 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM cần tuyển từ 23.961-25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61% tổng nhu cầu.

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã tiến hành khảo sát 23.550 lượt doanh nghiệp, trong đó tiến hành phân tích sâu các phiếu khảo sát có đầy đủ thông tin tại 8.993 doanh nghiệp.

Từ khảo sát trên, Falmi nhận định thị trường lao động TPHCM có xu hướng phát triển tích cực, phù hợp với xu hướng kinh tế và nhu cầu phát triển của thành phố, nhu cầu tuyển dụng tăng cao…

Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2024 của toàn thành phố là 153.500-161.500 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực vẫn tập trung tuyển dụng ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.

Riêng 4 ngành công nghiệp trọng điểm, nhu cầu nhân lực là khoảng 23.961-25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61% tổng nhu cầu nhân lực toàn thành phố; trong đó, ngành cơ khí chiếm 6,79%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,09%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược - cao su và plastic chiếm 1,99%.

4 ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM cần thêm 24.000-25.000 lao động - 1

Việt Nam đang định hướng trở thành trung tâm sản xuất và chế tạo nên nhu cầu nhân lực ngành này rất cao (Ảnh minh họa: Samsung).

Trong 6 tháng đầu năm, nhóm các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã dẫn đầu thị trường tuyển dụng khi cần đến 46.184 chỗ làm việc, chiếm 29,12% tổng nhu cầu nhân lực của toàn thị trường. So với tỷ lệ 25,51% của cả năm 2023, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp ngành này đã tăng 3,61%.

Thống kê nhu cầu tuyển dụng theo ngành nghề chuyên môn của lao động, lao động nắm giữ các kỹ năng nghề thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo cũng được tuyển dụng nhiều nhất. Trong 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao thì hầu hết đều là các nghề cung ứng nhân lực cho ngành kinh tế chế biến, chế tạo.

Hệ thống cung ứng nhân sự trung và cao cấp của Adecco Việt Nam cũng ghi nhận tình hình tương tự. Số lượng vị trí tuyển dụng trong ngành sản xuất và chế tạo mà Adecco Việt Nam tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 10% so với nửa đầu năm 2023.

Từ nhu cầu tuyển dụng tăng cao, khan hiếm nguồn lao động phù hợp, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tăng cường phúc lợi cho người lao động để giữ chân nhân tài.

Theo khảo sát của Falmi, ngoài lương thưởng theo quy định thì nhiều doanh nghiệp còn thực hiện thêm các chính sách như: Thưởng các ngày lễ, thưởng năng suất, cho lao động nghỉ dưỡng sức, khám sức khỏe định kỳ, đào tạo nâng cao tay nghề, tặng quà sinh nhật, tiền thăm bệnh, mua các gói bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên, tăng thêm ngày nghỉ phép, cho lao động làm việc tại nhà…

Ở chiều ngược lại, tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp cũng ngày càng khắt khe hơn, phát triển theo hướng thu hút lao động có trình độ tay nghề cao và nhân lực qua đào tạo. Thị trường lao động TPHCM lại tập trung nguồn lao động có trình độ đại học trở lên rất lớn.

Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, tính cạnh tranh của thị trường lao động đòi hỏi người lao động cần phải trang bị về kiến thức, có kỹ năng nghề cao, có tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng với môi trường làm việc.

Không chỉ là môi trường làm việc trong nước mà lao động còn phải có kỹ năng thực hành tốt để đáp ứng môi trường làm việc quốc tế, sẵn sàng tham gia thị trường lao động hội nhập và di chuyển lao động ra các quốc gia trên thế giới.