Nhân lực ngành y tế: Đã thiếu, không tuyển được còn giảm biên chế!

Hoàng Lam

(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trăn trở khi nhân lực của ngành đang rất thiếu, không tuyển dụng được, lại bị giảm biên chế. Nhân lực thiếu nên việc nâng cao chất lượng đội ngũ ngành y càng khó.

Tại cuộc thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, diễn ra vào ngày 10/7, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã thông tin về tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế trên địa bàn.

Thiếu 5.000 nhân lực ngành y tế

Hiện, toàn ngành y tế Nghệ An có 19.426 nhân lực, trong đó hệ thống công lập là hơn 14.000 người (72,3%), ngoài công lập trên 5.300 người (27,7%). Riêng bác sĩ, có trên 5.000 người, chiếm 23,7%.

Về nhân lực tuyến xã, hiện có 360 xã/460 xã có bác sĩ cơ hữu đang công tác. Ngành y tế điều chuyển hợp đồng hưu trí tại một số cơ sở y tế tuyến xã nên hiện còn 39 trạm y tế xã không có bác sĩ. Mặc dù vậy, tại các trạm y tế này, có y sĩ để thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh.

Về nhân lực trình độ cao, ở tuyến tỉnh, nhân lực chuyên môn có trình độ sau đại học chiếm 10,2%, đội ngũ này ở tuyến cơ sở là 5,9%.

Nhân lực ngành y tế: Đã thiếu, không tuyển được còn giảm biên chế! - 1

Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thông tin về tình trạng thiếu nhân lực ngành y tế (Ảnh: Hoàng Lam).

Theo Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, địa phương này đang thiếu khoảng 5.000 nhân lực ngành y.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách để phát triển nhân lực ngành y tế, đặc biệt là chính sách thu hút bác sĩ tốt nghiệp ra trường bằng giỏi, bằng khá về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa và các đơn vị đặc thù. Địa phương này cũng có chính sách hỗ trợ đào tạo cho chức danh giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2.

Riêng trong năm 2023, có 210 nhân lực y tế được đào tạo với kinh phí 9,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành y tế Nghệ An thu hút được 32 bác sĩ. Tuy nhiên, kết quả này chưa đáp ứng được yêu cầu về khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay.

"Có 2 quy định rất quan trọng, liên quan đến ngành y tế là Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính và Nghị định 120 về tổ chức bộ máy. Đây là những tác động rất lớn đến vấn đề thu hút, đào tạo, hỗ trợ, giữ chân cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tuyển dụng của các cơ sở y tế rất khó khăn", Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu.

Theo bà Hoa, ở tuyến y tế cơ sở, các đơn vị thực hiện tự chủ nhóm 3, nhóm 4, thiếu 1.442 nhân lực, trong khi đó ngành y tế vẫn phải thực hiện giảm biên chế hàng năm. Nhân lực ngành y tế không đủ nên việc cử đi đào tạo nâng cao lại càng khó hơn, tạo áp lực lên những người đang làm việc. Đây là điều khiến người đứng đầu ngành y tế Nghệ An rất trăn trở.

Khó tuyển dụng

Theo Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, năm 2023, tuyển dụng tại tuyến huyện đối với đơn vị tự chủ nhóm 3, nhóm 4 chỉ đạt 46%. Đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1, nhóm 2, ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện hạng 1 chỉ có 2 đơn vị tuyển dụng được 92%, còn lại ở mức trên 60%.

"Đơn cử như Bệnh viện Đô lương, chỉ tiêu là 11 bác sĩ nhưng chỉ tuyển được đúng 1 người", bà Hoa thông tin.

Việc tuyển dụng nhân lực ngành y tế khó khăn do có nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách thu hút được ban hành từ năm 2014, không còn đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Bà Hoa dẫn chứng, một số tỉnh lân cận Nghệ An như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã ban hành chính sách thu hút rất tốt.

Nhân lực ngành y tế: Đã thiếu, không tuyển được còn giảm biên chế! - 2

Nhân lực ngành y tế Nghệ An thiếu nhưng khó tuyển dụng (Ảnh minh họa: Thùy Linh).

"Nhân lực trình độ tiến sĩ, các tỉnh bạn thu hút đến 400-500 triệu đồng, Nghệ An mới có 80 triệu đồng. Đối với bác sĩ, họ thu hút gấp 3, gấp 4 lần Nghệ An, và thu hút ở tất cả trạm y tế chứ không phải chỉ dành cho vùng sâu, vùng xa", bà Hoa dẫn chứng.

Các địa phương phối hợp các trường đại học y để tuyển dụng, thu hút sinh viên ngay khi ra trường, trong khi đó, Nghệ An chưa làm được điều này.

Mặt khác, mỗi năm khoảng hơn 200 cử nhân điều dưỡng được đào tạo tại các trường ở Nghệ An nhưng khi tốt nghiệp chủ yếu chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thay vì ứng tuyển vào các cơ sở y tế trong tỉnh. Trong khi đó, nhân lực đào tạo tại các trường y trong tỉnh cũng đi các tỉnh khác làm việc.

"Mỗi năm gần 40 bác sĩ đào tạo trên địa bàn ra trường nhưng chỉ có hơn 30% ở lại. Con em Nghệ An đi học các trường đại học y trên cả nước cũng không muốn về tỉnh làm việc", bà Hoa nêu.

Chỉ tiêu tuyển dụng năm 2024 tại các đơn vị y tế tự chủ ở Nghệ An đã được phê duyệt như hiện vẫn chưa thể triển khai do còn phải chờ rà soát chỉ tiêu tuyển dụng năm 2025. Nhân lực ngành y tế vốn đã thiếu, không được tuyển dụng lại thiếu hơn.

"Trong tháng 6, tháng 7, sinh viên các trường y ra trường nhiều. Nếu Nghệ An không tuyển dụng thì các địa phương khác sẽ tuyển dụng hết", Giám đốc Sở Y tế Nghệ An lo lắng.