7 luật ngầm nơi công sở

Đâu đó nơi môi trường công sở vẫn tồn tại những quy luật ngầm, buộc người đi làm phải tự tìm hiểu, đừng mong được người khác giảng giải.

Từ trước đến nay, công sở vẫn luôn được biết đến là một môi trường tương đối phức tạp và cũng lắm thị phi. Mặc dù chỉ gói gọn trong bốn bức tường chật hẹp; tuy nhiên, những câu chuyện nơi công sở chưa bao giờ ngừng sôi nổi và kịch tính.

Có những quy tắc ngầm vẫn luôn tồn tại ở đó, nhiều người hay biết nhưng không phải ai cũng nói ra.

Chẳng phải vì muốn giữ cho riêng mình, "giấu nghề" không để đồng nghiệp biết, mà đơn giản, bản chất những câu chuyện đó vốn nhạy cảm, nói ra cũng chẳng được gì mà có khi còn mang họa vào thân.

Cùng điểm qua một số bí mật chốn công sở ai cũng biết nhưng chẳng mấy người chịu sẻ chia:

1. Định luật bất biến nơi làm việc

Vấn đề của công ty là cơ hội để chúng ta cải thiện. Bởi lẽ, mỗi công ty đều giữ cho riêng mình những câu chuyện, những vấn đề vốn đã mặc định.

Nhiệm vụ của chúng ta chính là nắm bắt được vấn đề mà công ty gặp phải để cải thiện và lập công.

Tương tự, không chỉ công ty chúng ta có vấn đề mà khách hàng cũng tồn tại những khó khăn riêng của họ. Và vấn đề của khách hàng chính là cơ hội để chúng ta cung cấp dịch vụ, thay khách hàng giải quyết những khó khăn.

Bên cạnh đó, có một quy luật hiển nhiên mà ai cũng rõ, công sở là nơi khiến cho người có thể giải quyết vấn đề thăng tiến, và người tạo ra vấn đề mất chỗ, người chỉ biết phàn nàn mất cơ hội.

Thêm nữa, lãnh đạo tốt là người luôn yêu cầu nghiêm ngặt, như vậy mới thực sự giúp bạn phát triển. Do đó, đừng vội thấy sếp "khó tính" mà bất mãn.

Vì đến một ngày, bạn sẽ phải cảm ơn sự "khó tính" của sếp ngày hôm nay.

2. Thế giới của lãnh đạo

Thông thường, các sếp tuyển nhân viên về làm việc với mục đích san sẻ bớt những vấn đề, những câu chuyện, không phải để tạo thêm rắc rối cho sếp giải quyết.

Vì lẽ đó, nếu không đóng góp được gì cho công ty cũng như chẳng giải quyết được những vấn đề như ban đầu đã trao đổi, bạn sẽ dần trở thành một vấn đề mà công ty và sếp buộc phải giải quyết.

Vị trí mà bạn có thể ngồi cũng tỷ lệ thuận với độ lớn của các vấn đề mà bạn có thể tự mình chủ động giải quyết.

Tương tự, có bao giờ bạn thắc mắc về mức lương mình được nhận hay chưa? Số lượng vấn đề mà chúng ta có thể giải quyết chính là yếu tố quyết định "thù lao" của chúng ta đấy!

3. Không có công lao, khổ lao cũng vô nghĩa

Quá trình làm việc cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, ở một môi trường như công sở, kết quả công việc vẫn là yếu tố quyết định tất cả.

Bởi lẽ, chính kết quả là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực cũng như công sức mà bạn bỏ ra.

Bất kể trong suốt quá trình, bạn có bận rộn, lao tâm khổ tứ đến mức nào đi chẳng nữa nhưng không mang lại được kết quả như yêu cầu thì về cơ bản, mọi thứ vẫn coi như con số không.

Do đó, nếu "trầy trật" với công việc mà vẫn không được ghi nhận thì bạn nên tự mình xem xét lại bản thân. Bởi thành tích là yếu tố để sếp có thể căn cứ vào đó làm lộ trình cho bạn thăng tiến.

4. Đừng dễ dàng từ bỏ tập thể

"Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Nếu thật sự muốn tiến xa trên con đường sự nghiệp, bạn cần phải biết cách hợp tác cũng như làm việc tập thể.

Đồng ý rằng, tập thể nào cũng có vấn đề; tuy nhiên, việc chúng ta cần làm là chung tay để giải quyết và dựng xây. Và chính những kỹ năng đó làm nên một nhân viên xuất sắc cũng như một nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai.

Đừng chê bai hoặc chối bỏ tập thể, bởi điều này chỉ khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu xí hơn mà thôi. Bên cạnh đó, hãy chọn cho mình một người sếp phù hợp - người sẵn sàng tin tưởng cũng như trọng dụng và đồng hành cùng bạn qua những khó khăn, thử thách.

Hãy biết cách cảm ơn tổ chức và đồng nghiệp vì đã bước đi cùng bạn trên một quãng đường nhất định.

5. Biến vấn đề thành cơ hội

Khi bản thân mình gặp vấn đề, đừng vội nản lòng, bởi đó chính là cơ hội của riêng bạn. Hãy tìm cách vượt qua để học hỏi và trưởng thành hơn từng ngày. Tương tự như bạn, đồng nghiệp trong công ty cũng đôi lúc gặp phải những vấn đề.

Đây là lúc để bạn thể hiện bản thân, hỗ trợ và hợp tác. Chắc chắn người đồng nghiệp được giúp đỡ sẽ khó quên đi những thứ mà bạn đã làm ngày hôm nay.

Không chỉ riêng đồng nghiệp mà lãnh đạo cũng có vấn đề của riêng họ. Tích cực lắng nghe, tiếp thu và phân ưu cho sếp chính là cơ hội ghi điểm và tạo được sự tín nhiệm của cấp trên.

Và cuối cùng, vấn đề của đối thủ cạnh tranh là cơ hội khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn.

6. Tìm phương pháp để thành công, không tìm lý do biện minh cho thất bại

Tính cách và thái độ chính là hai yếu tố quyết định số phận, trong đó có công việc.

Nếu bạn thật sự muốn làm điều gì đó, bạn sẽ tìm đủ mọi cách để có thể hoàn thành công việc đó một cách hoàn hảo nhất, còn khi đã không muốn, có trăm ngàn lý do để có thể biện minh cho những thất bại, những sai sót.

Thứ chúng ta cần làm chính là hướng đến sự tích cực, tập trung vào việc tìm ra phương pháp để giải quyết tình huống, không phải tâm tư về câu chuyện thoái lui trước khó khăn, vất vả.

7. Thành tích là minh chứng cho tất cả

Bill Gates từng nói: "Người có thể kiếm tiền cho công ty, đó là người công ty cần nhất". Nếu không cống hiến và tạo ra thành tích cho công ty, sớm muộn bạn cũng trở thành người thừa và bị đào thải.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp/Helino