(Dân trí) - Sáng 11/1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố 10 thành tựu nổi bật của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đonaj 2016-2020.
10 thành tựu nổi bật của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2016-2020
Sáng 11/1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố 10 thành tựu nổi bật của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giai đoạn 2016-2020.
- Tạo dấu ấn đặc biệt trong công tác xây dựng thể chế
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, phối hợp trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27 - NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương (khu vực doanh nghiệp) và Nghị quyết số 28 - NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; trình Quốc hội thông qua 03 Công ước quốc tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi).
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Cụ thể, đã tham mưu, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27 - NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương (phần khu vực doanh nghiệp) và Nghị quyết số 28 - NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là những quyết sách quan trọng, đặt nền tảng thể chế về lĩnh vực lao động - việc làm cho giai đoạn lâu dài về sau.
Bộ đã trình Quốc hội ban hành 03 luật, bao gồm: Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) năm 2020; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 40 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 119 Thông tư và trình thông qua 03 Công ước quốc tế.
Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua là dấu ấn lịch sử trong công tác xây dựng thể chế của Bộ, ngành, góp phần đổi mới quan hệ lao động bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động...
- Thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết giáo dục nghề nghiệp - Thị trường lao động - Doanh nghiệp
Giai đoạn 2016-2020, Bộ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, việc Bộ tham mưu Chính phủ thống nhất 1 đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp từ ngành giáo dục và đào tạo; hoàn thiện toàn bộ thể chế về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thành công nhiều hội nghị triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong và ngoài nước v.v… đã giúp nhận thức về học nghề, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong toàn xã hội và người dân đã có chuyển biến mạnh mẽ; vị thế, vai trò của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân được nâng cao.
Kết quả, tuyển sinh 5 năm đạt 11,1 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% lên 64,5%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cắp, chứng chỉ tăng từ 20,29% lên 24,5% vào năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng trong đó một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới...
- Tạo nhiều đột phá trong lĩnh vực người có công
Giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng; Lần đầu tiên tổ chức gặp mặt, tuyên dương 500 thương binh nặng, 300 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Với quan điểm "tất cả người có công đều phải được hưởng chính sách", trong những năm qua, tham mưu Ban Bí thư ban hành và tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 14/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, trong những năm qua, Bộ đã tập trung chỉ đạo, triển khai một số nhiệm vụ mang tính đột phá, thực hiện chính sách ưu đãi người có công, cụ thể:
Nghiên cứu, ban hành và chỉ đạo hướng dẫn các địa phương thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, đã rà soát, giải quyết gần 6.800 hồ sơ tồn đọng trên cả nước.
Xây dựng, vận hành tốt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sỹ tạo điều kiện thuận lợi để gia đình, thân nhân có thể thăm viếng, theo dõi khai thác thông tin trực tuyến, tìm mộ liệt sĩ trên cả nước; thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; hoàn thành hỗ trợ 493 ngàn nhà ở cho người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ đã chủ trì lần đầu tiên tổ chức Hội nghị gặp mặt, tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc; Hội nghị gặp mặt 300 Mẹ Việt Nam anh hùng qua đó, thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Các cuộc gặp mặt đã để lại dấu ấn sâu sắc và sự đồng tình cao trong dư luận xã hội…
- Giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài về đích trước kế hoạch 01 năm; Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất thiệp thấp nhất thế giới
Trong những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kết nối cung - cầu lao động, giai đoạn 2015- 2020, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức gần 6 nghìn phiên giao dịch việc làm, giới thiệu và cung ứng gần 5 triệu lượt người, 68,5% trong số đó có kết nối việc làm thành công.
Kết quả, cả nước đã giải quyết được trên 8 triệu việc làm, thị trường lao động Việt Nam có sự chuyển biến tích cực; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế; tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,48% số người trong độ tuổi lao động, khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%...
- Lần đầu tiêp áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, thành tựu về giảm nghèo Việt Nam được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm xuống còn 2,75%, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc
Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nhờ đó, công tác giảm nghèo giai đoạn này đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm...
- Công tác trợ giúp xã hội ngày càng được mở rộng, diện bao phủ ngày càng lớn
Hơn 3% dân số được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên; Lần đầu tiên tổ chức tuyên dương 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.
Chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội từng bước được hoàn thiện; Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và các chương trình, đề án trợ giúp đối tượng yếu thế được thực hiện đồng bộ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người cao tuổi, người khuyết tật, v.v..
Kết quả thực hiện các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội đạt được những kết quả khả quan, thực hiện đúng mục tiêu mở rộng đối tượng và nâng cao mức trợ giúp xã hội cho đối tượng, bảo đảm các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp kịp thời, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn…
- Quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đảm bảo. Chỉ số Phát triển giới của Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia cao nhất thế giới
Hệ thống pháp luật, chính sách về trẻ em từng bước được hoàn thiện, đồng bộ; Bộ đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em và các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương để trẻ em ngày càng được hưởng đầy đủ hơn các quyền của mình trong đó có quyền phát triển và tham gia.
Đến nay, cả nước có 6,2 triệu ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 26.000 trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn, 6.000 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn. Đến cuối năm 2020 có 72% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em...
- Chủ động tham mưu, triển khai chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép" của Chính phủ
Năm 2020, trong bối cảnh Đại dịch Covid -19 hoành hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Gói hỗ trợ An sinh xã hội đến đúng đối tượng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Chính phủ và các địa phương trong đại dịch Covid-19 đã hỗ trợ 31,5 nghìn tỷ đồng đảm bảo đời sống và hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, trong đó ngân sách chi trực tiếp trên 12,9 nghìn tỷ đồng cho trên 13 triệu người dân bị ảnh hưởng. Gói hỗ trợ đó đã giúp đỡ nhiều người dân trong việc khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tạo sự ủng hộ, lan tỏa sâu rộng trong xã hội…
- Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN năm 2020
Trong những năm qua, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia và Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Bộ đã thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội trong khuôn khổ song phương, đa phương, ASEAN và các tổ chức phi chính phủ.
Riêng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ Đại dịch Covid -19, song Bộ vẫn triển khai được nhiều hoạt động đúng tiến độ, tiết kiệm, hiệu quả; trong đó, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng trực tuyến của Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN lần thứ 23 và 24 và các Hội nghị cấp quan chức liên quan; Hội nghị cấp cao của các Bộ trưởng Lao động ASEAN và các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay…
- Niềm tin của người dân về chính sách xã hội được nâng lên
Quan tâm đến quyền lợi của người dân và cộng đồng xã hội, công tác trả lời cử tri, chất vấn của các đại biểu Quốc hội; tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm, dành thời gian tiếp định kỳ để lắng nghe, chia sẻ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân và các đối tượng chính sách.
Trong thời gian qua, tổng số lượt công dân đến trụ sở của Bộ và được tiếp là 13.981 lượt người, đã tiếp nhận 27.435 đơn thư với 100% số đơn thư được xử lý theo thẩm quyền…
Niềm tin của nhân dân về đảm bảo an sinh xã hội được nâng cao
Báo cáo điều tra dư luận xã hội số 9989 ngày 05/01/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, niềm tin của nhân dân về đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tốt chính sách người có công, tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%; về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 68%, tăng 13 bậc so với năm 2019. Đây có thể nói là kết quả vô giá, thể hiện sự quan tâm và sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai các chính sách an sinh xã hội.