Sàng lọc cán bộ: Xử lý sao khi bộ máy lọt người yếu kém mà không tự nghỉ?
(Dân trí) - Trước yêu cầu cao, gấp rút trong công cuộc tinh gọn bộ máy, nhiều chuyên gia lo khó tránh việc người có năng lực chủ động rời khỏi bộ máy và ngược lại.
Mục tiêu khó với việc thanh lọc bộ máy
Cuối năm 2024, khi có thông tin về việc tinh gọn bộ máy, chị Hoàng Lam, 38 tuổi, nghiên cứu viên tại một đơn vị sự nghiệp của Bộ Tài nguyên - Môi trường thời đó, quyết định nghỉ để làm việc toàn thời gian cho một công ty tư nhân chị đã có nhiều năm cộng tác.
"Chuyên môn của tôi không nhiều công ty tư nhân cần, nhưng không phải không có cơ hội. Nhiều năm qua, tôi vẫn kiếm thêm thu nhập bằng cách cộng tác với các doanh nghiệp có nhu cầu. Dù không vượt trội nhưng đó là cách giúp tôi giữ mối liên hệ với thị trường việc làm bên ngoài để mình không bị thụ động", chị Lam chia sẻ.
Cho rằng đây là thời kỳ có nhiều biến động, nhiều áp lực và tương lai không chắc chắn, chị Lam cho rằng "đây là cơ hội hoàn hảo để đưa ra một quyết định chưa bao giờ đủ dũng cảm để thực hiện".
"Môi trường nhà nước cho tôi nhiều cơ hội để chỉ tập trung làm chuyên môn, nhưng cũng khiến tôi trở nên ì ạch, ngại thay đổi. Khi vẫn còn cơ hội tốt hơn bên ngoài, không việc gì tôi phải ở lại đây".

Tái cơ cấu, thanh lọc đội ngũ cán bộ trong bối cảnh này là một nhiệm vụ lớn
Những trường hợp như chị Lam không hiếm. Khi người lao động có nhiều lý do để làm việc ở một môi trường năng động hơn, cơ chế đãi ngộ tốt hơn, họ sẵn sàng đặt lên bàn cân hai lựa chọn: ở lại nhà nước với lượng công việc tăng lên và tìm kiếm một cơ hội khác bên ngoài.
Tương tự, chị Lê Thị Lan Anh, 35 tuổi, từng làm chuyên viên ở Ban Tuyên giáo một huyện tại Nghệ An cũng chấp nhận bỏ dở gần 20 năm công tác để ra ngoài tìm việc vì "phòng có 4 người thì 3 người là người một nhà, chỉ mình tôi... lạc quẻ".
"Dù rất yêu công việc này và tự tin là làm tốt, tôi gần như bị buộc phải nghỉ vì bị chèn ép, cô lập. Trên tinh thần tự nguyện, tôi rời đi để số lượng cán bộ còn lại đáp ứng yêu cầu tinh giản đặt ra", chị Lan Anh trình bày.
Cơ chế đào thải chưa đủ mạnh
Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang triển khai trên phạm vi cả nước, tinh thần tự nguyện của cán bộ, công chức được nhắc đến như một giải pháp trước hết để giảm thiểu sự xáo trộn. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của đợt tinh gọn lần này là giữ lại những người có khả năng phục vụ trong bộ máy mới, loại bỏ "công chức cắp ô", cán bộ không đủ năng lực.
TS khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời của Viện nghiên cứu ISEAS (Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore) đặt ra lo ngại, quá trình tinh giản, sắp xếp cán bộ có thể tạo ra hiệu ứng ngược. Đó là khi những người trẻ, có năng lực muốn ra ngoài, còn những người không có năng lực lại cố gắng bám trụ lại bộ máy vì không thể đi đâu khác.

TS Nguyễn Khắc Giang cảnh báo, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nếu không đạt mục tiêu đề ra ban đầu có thể tạo ra hiệu ứng ngược trong đội ngũ nhân sự (Ảnh: ISEAS).
Theo quy định hiện hành, cán bộ công chức chỉ rơi vào danh sách xem xét cho nghỉ việc nếu 2 năm liên tiếp chỉ xếp loại "hoàn thành nhiệm vụ" hoặc có 1 năm xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ".
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đánh giá, cơ chế đào thải này chưa đủ mạnh, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đội ngũ công chức vừa thừa, vừa thiếu, xuất hiện tâm lý né tránh, đùn đẩy, có biểu hiện không dám nghĩ, không dám làm như hiện nay.
TS Nguyễn Khắc Giang cho rằng, cách đánh giá, tuyển chọn cán bộ từ trước đến nay phần lớn phụ thuộc nhiều vào các tiêu chí mang tính cảm tính.
Ông phân tích: "Việc để cán bộ, công chức tự đánh giá, rồi đến người cùng cơ quan, thủ trưởng của họ đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành công việc được giao chưa đi vào thực chất. Về cơ bản, nếu dựa vào những yếu tố này thì rất khó để đánh giá một cách thực tế năng lực của cán bộ. Do đó, dựa vào kết quả xếp loại, đánh giá đó để xét cán bộ có đáp ứng được công việc trong bộ máy mới hay không là không khả thi".
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Lam, cố vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS, thuộc Hội truyền thông số Việt Nam), việc tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ từ trước đến nay có thể vẫn để lọt vào những người không đủ năng lực. Giờ đây, nếu những người này không tự nguyện nghỉ thì cũng không có luật nào buộc họ phải rời khỏi vị trí, nhất là khi việc đánh giá, đào tạo cán bộ hiện nay vẫn còn những hạn chế, hình thức.
Các chuyên gia hiện kỳ vọng ở dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) khi Bộ Nội vụ đề xuất quy định về sát hạch, thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào - có ra, có lên - có xuống.