1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiếm 1.000-2.000 đồng/kg rác, dân Xà Cầu đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm lớn

(Dân trí) - Thôn Xà Cầu thuộc xã Quảng Phú Cầu  (Ứng Hòa, Hà Nội) được nhiều người gọi là nơi thu mua và tái chế rác lớn nhất Thủ đô. Thế nhưng, cuộc sống của người dân làm nghề nơi đây không vì thế mà dư giả.

Thu nhập ít nhưng vẫn... chấp nhận

Hơn chục năm trở lại đây, thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nổi lên như là một trung tâm thu mua và tái chế rác thải lớn của thành phố. Đi dọc đường làng, những đống rác thải nhựa đựng trong các túi ni lông cao quá đầu người chất đầy.

Rác thải ở đây được người dân trong thôn mua về từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước để sàng lọc và bán lại cho các nhà máy. Mỗi ngày tại thôn Xà Cầu có hàng trăm tấn rác thải được mua về từ khắp nơi.

rac 1.jpg

Đường ngập ...túi đựng rác.

Rác thải nhựa rắn sau khi phân loại, làm sạch và nghiền nát sẽ được bán lại cho các công ty, nhà máy sản xuất đồ nhựa ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương với giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại.

Các loại rác không thể tái sử dụng được người dân tại thôn Xà Cầu đốt, xả thải ra sông hoặc cánh đồng.

Trên địa bàn thôn Xà Cầu có 800 hộ dân nhưng có đến 160 hộ dân làm nghề tái chế rác thải. Về khách quan, nghề của thôn đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động.

Tuy số lượng rác được tái chế tại đây không nhỏ, nhưng hầu hết các cơ sở tái chế rác thải đều vẫn theo phương pháp thủ công. Các chất thải nhựa được cơ sở phân loại, xay rửa và được phơi khô ngoài trời.

rac 2.jpg

"Thiên đường" rác

Người lao động làm các công đoạn này thường không sử dụng bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang. Nhưng vì nhu cầu mưu sinh mà người dân ở đây đang phải đánh đổi bằng sức khỏe của mình.

Công việc luôn phải gắn liền với nhiều chất bẩn. Nhưng mỗi kg rác thải đã qua phân loại, người làm nghề chỉ lãi được 200 - 300 đồng/kg. Trung bình, một người lao động 1 ngày phân loại được gần 1 tấn rác thải.

Chị Nguyễn Thị Dung, làm nghề tái chế rác đã 7 năm cho biết: “Mỗi ngày tôi thu nhập được khoảng hơn 150.000 đồng. Thu nhập tuy thấp nhưng không có nghề nào khác để làm nên đành phải tiếp tục làm nghề này. Làng này mắc bệnh ung thư nhiều lắm nhưng cũng chưa chắc chỉ do nghề này”.

Dù hàng ngày vẫn phải tiếp xúc với rác thải, nhiều thứ hóa chất còn đọng lại trong chai nhưng theo chị Dung, việc ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài thì có thể thế nhưng hiện tại chị chưa cảm thấy vấn đề gì.

rac 3.jpg

Đồ nhựa cứng được ưu tiên thu gom

Cùng với chị Dung, ông Nguyễn Văn Kỷ đã có nhiều năm trong nghề tái chế rác chia sẻ: “Mang tiếng là chủ cơ sở tái chế nhưng làm cả ngày thu nhập của tôi cũng chỉ được hơn 100 nghìn đồng, ruộng đồng do ô nhiễm nguồn nước, chuột bọ phá phách nên không cấy lúa được mới phải chấp nhận làm cái nghề này”.

Với đôi tay trần đang phân loại rác, ông Kỷ cho rằng, công việc tái chế rác thải ở thôn Xà Cầu có làm ô nhiễm thế nhưng cũng chưa đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.

Công việc tái chế rác thải không mất nhiều sức lao động nên không khó gì để bắt gặp hình ảnh người già và trẻ em làm việc tại các xưởng phân loại. Bà Lý Thị Nghinh năm nay đã 85 tuổi đang làm công việc phân loại rác thuê cho một cơ sở ở trong thôn, mỗi ngày bà Nghinh phân loại được khoảng 300kg rác bà được trả 30.000 đồng.

“Đã có rất nhiều người nói làm nghề này độc hại thế nhưng tôi chẳng thấy độc hại gì với lại già rồi cũng không quan tâm đến vấn đề này lắm” - bà Nghinh cho hay.

rac 4.jpg

Người dân tái chế rác không dùng đồ bảo hộ lao động

Tồn tại hay dừng nghề tái chế rác nơi đây?

Theo quan sát của phóng viên, các chất tẩy nhựa và dung dịch thừa trong các chai nhựa, được xả thẳng ra con kênh Bắc Quảng Hoa. Đây là nguồn nước tưới cho hầu hết diện tích hoa màu trên địa bàn thôn, khiến cho năng suất thu hoạch cũng bị giảm đi.

Các hộ gia đình làm nghề còn chất đầy phế liệu từ nhựa, rác thải sản xuất trong nhà, đổ bừa bãi ra vệ đường, đồng ruộng. Nước ở kênh mương, ao hồ, xen lẫn mùi hóa chất, mùi nước thải chưa qua xử lý rất nồng nặc, khó chịu, nhất là vào những hôm trời nắng.

Ông Trần Văn Bình, người dân sống tại thôn Xà Cầu cho rằng việc con kênh chảy qua làng đang ngày một ô nhiễm là do rác, nước thải chưa qua xử lý được xả thải trực tiếp ra kênh.

rac 6.jpg

Con kênh chảy qua thôn Xà cầu ngập giác thải và bốc mùi hôi thối

“Trước đây con kênh chạy qua thôn luôn trong xanh, nhiều cua cá. Nhưng mấy năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm nhanh chóng. Ruộng đồng cũng không cho năng suất vì nguồn nước bị ô nhiễm” - ông Trần Văn Bình nói.

Ông Trần Văn Bình và nhiều hộ gia đình trong thôn đang mong mỏi chính quyền các cấp có biện pháp hỗ trợ việc xử lý chất thải sau khi phân loại rác để đảm bảo môi trường trong sạch.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hương Năm - Phó Chủ tịch xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) - thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Xà Cầu đang ngày một diễn ra nghiêm trọng hơn.

“Các hộ dân làm nghề tái chế rác thải đều do hình thức hộ gia đình tự phát, phương thức hoạt động lạc hậu, thiếu các hệ thống xử lý nước thải nên công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Xã đã có nhiều đề án để giải quyết thực trạng trên như xây dựng lò đốt rác, thuê các nhà máy xử lý rác thải nhưng chưa thành công” - bà Nguyễn Thị Hương Năm cho biết.

rac 6.jpg

Sàng lọc thủ công rác nhựa

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho rằng, nguồn lợi từ nghề tái chế rác thải không cao, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân và môi trường. Do đó, UBND xã không có định hướng phát triển nghề này.

“Đồng thời mong UBND TP Hà Nội sớm ra chỉ thị cấm phân loại, tái chế rác thải theo hình thức tự phát như ở khu vực thôn Xà Cầu. Còn hiện tại, công tác quản lý nghề phân loại tái chế rác thải tại đây chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, nhắc nhở. Thế nên nhưng không đạt hiệu quả cao” - bà Năm cho biết thêm.

​Phạm Công