Cà phê "dính" đến đất rừng không được xuất khẩu vào châu Âu

Thúy Diễm

(Dân trí) - Để xuất khẩu được cà phê vào thị trường châu Âu từ cuối năm nay, các đơn vị phải chứng minh được nguồn gốc cà phê không trồng trên đất rừng, không gây mất rừng.

Chiều 25/4, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk, trực thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk) tổ chức lễ công bố là đơn vị đầu tiên tại Đắk Lắk có vùng trồng nguyên liệu tuân thủ quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR).

Tại lễ công bố, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, thị trường châu Âu ngày càng khắt khe, đặt ra nhiều thách thức cho ngành hàng nông sản Việt Nam nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng.

Cà phê dính đến đất rừng không được xuất khẩu vào châu Âu - 1

Mặt hàng cà phê sẽ có tiêu chuẩn khắt khe khi xuất khẩu vào Châu Âu (Ảnh: Thúy Diễm).

Do vậy, để hướng tới và thích ứng với thị trường cần phải chứng minh sản phẩm cà phê xuất khẩu ra nước ngoài không liên quan đến đất rừng, phá rừng hoặc canh tác trên đất rừng.

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn tất cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, thiết lập vùng trồng cà phê trên địa bàn phải tuân thủ quy định nhằm đảm bảo uy tín của nông sản địa phương, mở ra cơ hội cho ngành hàng cà phê.

Simexco Đắk Lắk đã được trao chứng nhận về 2 vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn EUDR với tổng gần 8.000 nông dân, diện tích 9.500ha, sản lượng trên 35.000 tấn/năm.

Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc công ty, cho rằng, hiện có nhiều rào cản từ những thị trường nhập khẩu, gần đây là EUDR (quy định không phá rừng) được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua ngày 29/6/2023, áp dụng từ ngày 30/12 năm nay.

Phía công ty mới dừng lại việc chứng nhận vùng nguyên liệu và còn rất nhiều thông tin từ thị trường nhập khẩu châu Âu như điều kiện đặt ra trong quá trình thu mua, tổ chức chế biến và giao hàng đến cảng châu Âu… cần được quan tâm.

Cũng theo ông Huy, phía đơn vị đang phối hợp cùng các địa phương kiểm tra việc tuân thủ EUDR của vùng trồng với diện tích 100.000ha, năng suất 300.000 tấn/năm của gần 80.000 nông dân.

"Yêu cầu EUDR là một cảnh báo mạnh cho việc thị trường tiêu thụ rất xem trọng những hành động bảo vệ môi trường của nước sản xuất. Sản phẩm hiện nay được sản xuất ra không những phải đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng mà phải đảm bảo được yếu tố cảnh quan, bảo vệ môi trường", ông Huy nhấn mạnh.

Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) được Nghị viện và Hội đồng châu Âu thông qua ngày 29/6/2023 và áp dụng từ ngày 30/12/2024.

Các quy định của EUDR chính thức được thực thi vào ngày 1/1/2025 và sau 24 tháng với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quy định này ảnh hưởng đến ba mặt hàng xuất khẩu vào châu Âu gồm: cà phê, cao su và gỗ.