Yêu cầu thu hồi những khoản “chi sai” tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những khoản chi sai tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trong đó, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) chi sai 91 triệu đồng khi lập dự án, TP.Hà Nội chi sai hơn 14 tỷ đồng khi giải phóng mặt bằng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.
Theo Hiệp định giữa hai Chính phủ, bên tài trợ vốn được chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc; Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đại diện chủ đầu tư.
Đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với tổng chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao. Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng. Tháng 9/2018, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã bị “phá sản”.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những khoản chi sai tại Dự án. Cụ thể, Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải đã chi sai 91 triệu đồng khi lập dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP.Hà Nội chi sai hơn 14 tỷ đồng trong công tác giải phóng mặt bằng. Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chủ đầu tư Dự án và Hà Nội phải thu hồi, nộp ngân sách nhà nước khoản tiền chi sai này.
Theo cơ quan kiểm toán, có sai sót liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 8.700 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội, việc này thực hiện chưa đúng Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội và Luật Đầu tư công.
Chiếu theo hợp đồng EPC đã ký giữa Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc, thời gian hoàn thành, chạy thử và bàn giao công trình không quá 48 tháng (kể từ năm 2010) và được điều chỉnh đến ngày 30/9/2017. Tuy nhiên, Dự án đã chậm tiến độ thêm 4 năm mà vẫn chưa được bàn giao. Kiểm toán Nhà nước cho rằng chủ đầu tư chưa làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu.
“Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký.” - Kiểm toán Nhà nước nêu rõ trong thông báo kết quả kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân và tổ chức cá nhân phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án lên 18.000 tỷ đồng, chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về giá trọn gói mua sắm thiết bị giảm tối thiểu 5% so với dự toán phần thiết bị… Kết quả thực hiện các kiến nghị này phải được gửi về Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/9/2019.
Liên quan đến khoản chi sai tại Dự án Cát Linh - Hà Đông, trao đổi với PV Dân trí, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết đang tiến hành thu hồi 91 triệu đồng từ Tư vấn lập dự án để nộp về ngân sách Nhà nước theo quy định.
Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, khối lượng xây dựng toàn bộ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt được 99%, tuy nhiên do Tổng thầu chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT nên 1% còn lại Tổng thầu Trung Quốc vẫn triển khai rất chậm và có nguy cơ kéo dài.
Châu Như Quỳnh