1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Xuất khẩu trực tuyến: Lợi nhưng vẫn sợ bị lừa

(Dân trí) - Doanh nghiệp Việt đã từng bị lừa đảo thương mại trực tuyến nhiều lần, vậy điều gì có thể tạo dựng lại niềm tin trong lòng họ về lĩnh vực còn quá mới mẻ này?


Hội thảo Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số tổ chức mới đây với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà phân tích đầu ngành. Ảnh: Hồng Vân

Hội thảo Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số tổ chức mới đây với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà phân tích đầu ngành. Ảnh: Hồng Vân

Những năm trước đây, rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bị lừa đảo khi kí kết hợp đồng xuất, nhập khẩu trực tuyến với đối tác nước ngoài.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, hồi năm 2012, một DN nhập khẩu gỗ của Việt Nam đã tìm được một nhà cung cấp gỗ ở Cameroon qua trang mạng và đã kí hợp đồng trị giá hơn 400.000 USD với nhà cung cấp này. Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền đặt cọc 10% giá trị hợp đồng và hứa hẹn giao hàng trong 2 tuần, nhà cung cấp gỗ này không giao hàng và cắt đứt mọi liên lạc.

Trước đó, một doanh nghiệp Việt Nam khác cũng từng bị lừa mất khoản tiền đặt cọc 11.000 USD khi giao dịch với một công ty xuất khẩu gỗ tại Cameroon có tên là Savanna Wood.

Với những kinh nghiệm xương máu đó, DN Việt đã học hỏi được nhiều điều và tính đến nay, nhiều DN đã và đang tham gia vào xuất khẩu trực tuyến qua những kênh có độ tin cậy cao.

Tuy nhiên, mới chỉ có những tập đoàn lớn về thực phẩm, vật liệu xây dựng,... tham gia sử dụng xuất khẩu trực tuyến. Gần đây nhất, có khoảng 200 DN Việt Nam có nhu cầu tham gia chương trình 1000 DN xuất khẩu trực tuyến tiên phong. Theo nhiều chuyên gia, sắp tới sẽ có nhiều DN Việt quan tâm và sử dụng nền tảng công nghệ để xuất khẩu trực tuyến.

Ông Nguyễn Yên Tú, Trưởng phòng kinh doanh Xuất khẩu trực tuyến Novaon cho rằng, DN Việt thuận lợi ở việc tiếp cận nhiều nguồn thông tin về kênh xuất khẩu trực tuyến.

“Hơn nữa, Chính phủ, Nhà nước ta cũng hỗ trợ nhiều đặc biệt trong thời gian gần đây, vì đang hướng đến nền công nghiệp 4.0 nên Chính phủ tạo điều kiện hơn về nền tảng trực tuyến để hỗ trợ xuất khẩu”, ông Tú nói.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều khó khăn khi DN Việt vẫn ưu tiên xuất khẩu truyền thống nên dù nhu cầu và thị trường xuất khẩu của Việt Nam rất lớn nhưng số lượng DN sử dụng kênh trực tuyến để xuất khẩu rất thấp, theo thống kê chỉ từ 1-2%.

Nhiều nhà phân tích nhận định, dù hiện tại hay trong tương lai, các kênh xuất khẩu truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nhưng xu thế chung là đối tác, khách hàng sẽ sử dụng những kênh trực tuyến để tìm kiếm DN. Do đó, nếu DN sử dụng xuất khẩu trực tuyến thì số lượng khách hàng tiếp cận sẽ tăng dần.

Hơn nữa, các DN sử dụng xuất khẩu trực tuyến sẽ có gian hàng toàn cầu 24/7 giúp tiếp cận khách hàng mọi lúc mọi nơi với mức chi phí phải chăng, khiến đối tượng khách hàng tiềm năng rộng hơn rất nhiều

Lấy ví dụ, ông Tú cho biết, nếu 1 DN tham gia một hội chợ ở nước ngoài theo lối xuất khẩu truyền thống để quảng bá sản phẩm của DN mình, họ sẽ tốn chi phí đi lại, ăn ở, thuê gian hàng,… tất cả vào khoảng hơn 200 – 300 triệu đồng. Tuy nhiên, với xuất khẩu trực tuyến thì chi phí thấp hơn nhiều, chỉ bằng 1/3 đến 1/5 so với đi hội chợ.

Tóm lại, các chuyên gia cho rằng, DN Việt phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận thì mới tham gia vào mạng lưới xuất khẩu trực tuyến trên toàn thế giới và tiếp cận được những khách hàng tiềm năng.

Ông Trần Thanh Hải, phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhận định: “Những nền tảng công nghệ toàn cầu đáng tin cậy sẽ đem tới cho cộng đồng DN xuất khẩu Việt Nam một giải pháp tổng thể về xuất khẩu trực tuyến hiệu quả cao và DN Việt cần năng động, sáng tạo hơn để nắm bắt điều đó”.

Hồng Vân