1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bán hàng qua mạng tỷ đô, doanh nghiệp nhỏ yên phận “chầu rìa”

(Dân trí) - Dù được xem là thị trường tỷ đô nhưng thương mại điện tử (TMĐT – bán hàng qua mạng) vẫn chỉ mới phát triển tại Việt Nam. Dù tiềm năng và lợi thế hàng đầu châu Á, song giá trị thu về chỉ nằm trong tay nhà đầu tư ngoại, các doanh nghiệp Việt vẫn yên phận “chầu rìa” khỏi sân chơi tỷ đô này.

Theo nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Thương mại điện tử và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam”, mới diễn ra ở Hà Nội, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, các nhà bán lẻ nên nhanh chóng chuyển sang xu hướng thương mại điện tử thế kỷ XXI, nếu không sẽ bị loại khỏi xu hướng giá trị toàn cầu thời gian tới.

Lạc lõng giữa thị trường tỷ đô

Năm 2014, theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT (mô hình B2C - doanh nghiệp và người tiêu dùng) ước đạt khoảng 2,7 tỳ USD. Năm 2015, dự kiến sẽ cán mốc 4 tỷ USD, với giá trị mua hàng trực tuyến 145 USD/người/năm.

Thị trường TMĐT Việt Nam được xác định là tỷ đô nhưng phần đông DN Việt Nam vẫn chầu rìa
Thị trường TMĐT Việt Nam được xác định là tỷ đô nhưng phần đông DN Việt Nam vẫn "chầu rìa"

 

Tại Việt Nam, theo Bộ Công Thương, hiện có khoảng gần 250 doanh nghiệp, doanh nhân cung cấp dịch vụ TMĐT, hơn 80% dưới dạng bán hàng từ DN tới người tiêu dùng (B2C) và người tiêu dùng và người tiêu dùng (C2C). Theo đánh giá xếp hạng của Tổ chức MGI (2012) về sự phát triển TMĐT tại 23 quốc gia phát triển và đang phát triển, Việt Nam đạt 21/100 điểm và xếp dưới Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ.  

Việt Nam là thị trường TMĐT lớn thứ 10 ở châu Á và thứ 27 trên thế giới với giá trị tiêu dùng do hơn 39% dân số đang sử dụng Internet, chi phí Internet rẻ, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin ổn định. Đây là thị trường bùng nổ tiêu dùng vượt Singapore trong 5 năm tới.

Chỉ trong ngày mua sắm trực tuyến được tổ chức 5/12/2014, các DN cho thấy, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trong ngày ước tính 154 tỷ đồng, tăng 2,48 lần so với ngày trung bình, tiềm năng TMĐT đang rất lớn.

Theo ông Alex Long, Giám đốc đối ngoại Google châu Á - Thái Bình Dương, TMĐT là hình thức thương mại phổ biến trên thế giới hiện nay, nơi phần lớn các giao dịch của các công ty, tập đoàn qua hệ thống kết nối Internet với nhau, với các ngân hàng của người bán, người mua và với hình thức đơn giản nhất là đặt hàng, giao hàng với khách hàng.

Ngoài các giao dịch TMĐT phức tạp cần mở tài khoản tại ngân hàng, mở chứng thư, vận đơn, chữ ký số…thường diễn ra ở cấp độ giao dịch B2B (DN-DN), TMĐT còn phát triển ở dạng thức B2C (DN và người tiêu dùng). Theo nhiều chuyên gia trong ngành, hiện ở Việt Nam mới chỉ phát triển TMĐT ở B2C tại các DN bán lẻ, trang bán qua mạng.

Chưa tin chất lượng mua hàng qua mạng

Tuy nhiên, 77% người tiêu dùng vẫn hoài nghi hàng bán qua mạng kém chất lượng. Phương thức bán hàng qua mạng trong TMĐT vẫn chỉ ở giai đoạn đơn giản: đặt hàng qua website, thanh toán trực tiếp. Các DN chưa đầu tư hạ tầng và phát triển mạnh bán lẻ qua TMĐT.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ: “DN sản xuất, nhà bán lẻ Việt Nam nên nhìn nhận và đầu tư đúng vào TMĐT để bắt kịp với xu hướng thương mại thế kỷ mới. Ebay, amazon chỉ cần nhấn chuột trong 1 phút đã thực hiện được đơn hàng 5 triệu đô, đây là doanh thu mấy tháng, thậm chí cả năm của 1 DN sản xuất, bán lẻ tại Việt Nam, đầu tư TMĐT đang là 1 vốn 4 lời”.

Ông Đoàn nói thêm: “Không cần phải làm gì về thị trường, DN Việt chỉ cần hoàn thiện sàn, website bán hàng sao cho tiện lợi, hiện đại với người tiêu dùng và phổ biến. Chất lượng hàng cần được xem là tiêu chí quan trọng nhất trước khi nghĩ đến giá rẻ cho thị trường để cạnh tranh đối thủ”.

Tuy nhiên, vấn nạn sản phẩm kém chất lượng đang là trở ngại lớn nhất đối với TMĐT tại Việt Nam... Rất nhiều trường hợp đặt hàng tốt nhưng khi nhận hàng lại có chất lượng kém hơn, thậm chí hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho rằng, phát triển của TMĐT ở Việt Nam vẫn còn hạn chế là do niềm tin của khách hàng vào chất lượng hàng hóa còn thấp, 77% người tiêu dùng cho biết rằng các sản phẩm có chất lượng kém hơn so với quảng cáo.

Năm 2014, theo Cục Thương mại điện tử có 40% người mua hàng đề cập tới trở ngại giá không tốt, 38% nhắc đến dịch vụ logistic kém chất lượng, 31% lo ngại lộ thông tin cá nhân, 29% cho rằng khâu đặt hàng còn rắc rối, 20% chê nhiều website chưa chuyên nghiệp.

Nguyễn Tuyền

 

Bán hàng qua mạng tỷ đô, doanh nghiệp nhỏ yên phận “chầu rìa” - 2