Xuất khẩu gạo lao đao: Ngôi vương còn xa (bài 1)

(Dân trí) - Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày một sụt giảm, không chỉ ở nhóm sản phẩm thông dụng mà cả ở nhóm sản phẩm chất lượng cao. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm khắc phục những nhược điểm, Việt Nam sẽ mất ngôi "Á quân" trong thời gian tới.

Sụt giảm đáng kể

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2016 đạt 20,6 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong khi các ngành hàng như cà phê, thủy sản, hạt điều, tiêu… đều có sự gia tăng cả về sản lượng cũng như giá trị thì một số ngành hàng chủ lực như gạo lại có sự sụt giảm đáng kể cả sản lượng và giá trị.

Dây chuyền sản xuất gạo
Dây chuyền sản xuất gạo

Số liệu mới nhất của Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 3,8 triệu ha đất lúa và khoảng 7 triệu ha diện tích lúa 2 vụ. Sản lượng lúa năm nay ước đạt 44,94 triệu tấn, tương đương với 28,09 tấn gạo đã xay xát.

“Sản xuất lúa, gạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung lúa gạo, sản xuất lúa bị thu hẹp…”, ông ĐàoVăn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NN&PTNN nói.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu ước đạt 3,37 triệu tấn, thu về 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Đào Văn Hồ khẳng định: “Không dừng lại ở đó, xuất khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam cũng có dấu hiệu thụt lùi. Năm 2014, Việt Nam bán sang Mỹ được 70.000 tấn, tới năm 2015 chỉ còn 44.000 tấn. Tại thị trường EU, năm 2014 bán được 24.000 tấn, tới năm 2015 còn 20.000 tấn. Ở thị trường Nhật Bản, Việt Nam chưa bán được vào thị trường này từ năm 2013 tới nay”.

Công đoạn đánh bóng gạo
Công đoạn đánh bóng gạo

Chưa thể ứng dụng mô hình mới

Có hơn 5.000 nhà máy chế biến lúa gạo trên cả nước với năng suất sản xuất hơn 45 triệu tấn gạo mỗi năm, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất gạo lớn nhất trên thế giới. Ghi nhận tại hội thảo Công nghệ chế biến lúa gạo, tổ chức tại TP.HCM, rất nhiều chuyên gia đều cho rằng, sở dĩ, xuất khẩu gạo mãi chưa vươn đến được ngôi vương là do dù nhiều tiềm năng nhưng sản xuất lúa gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều các mặt hạn chế.

Cụ thể là chất lượng, giá trị gia tăng thấp; sản xuất thiếu tính bền vững. Nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất hộ nông dân nhỏ lẻ, diện tích đất lúa/hộ nông dân quá thấp, trong khi đó các hình thức tổ chức liên kết nông dân, mô hình cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã mới… chưa phát triển rộng.

“Gạo Việt sản xuất chưa theo yêu cầu từ thị trường. Người nông dân chọn giống theo cảm tính và nhất là sử dụng nhiều loại giống trên cùng cánh đồng”, ông Jeremy Zwinger, Chủ tịch Hiệp Hội Thương Mại Lúa Gạo Quốc Tế - The Rice Trader nhận xét.

Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) dự báo, hiện tượng El Nino dự báo sẽ tiếp tục kéo dài và có tác động xấu đến hết năm 2016. Thương mại gạo toàn cầu năm 2016 có thể đạt mức 45,3 triệu tấn, tiêu thụ gạo toàn cầu đạt khoảng 484,27 triệu tấn. Điều này phản ánh chính sách tăng dự trữ tồn kho của các quốc gia do lo ngại khan hiếm nguồn cung từ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và thời tiết bất thường.

“Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho một quốc gia đầy tiềm năng về xuất khẩu gạo như Việt Nam, nếu có những tính toán hợp lý”, ông Jeremy Zwinger tư vấn.

Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đặc biệt là TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút FDI vào nông nghiệp nói chung và ngành lúa gạo nói riêng. Khi đó, cơ hội dành cho Việt Nam sẽ còn nhiều hơn nữa.

Phương Quyên