Xuất khẩu gạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn
(Dân trí) - Xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó khăn khi các thị trường lớn của Việt Nam như Indonesia chưa có ý định tiếp tục nhập khẩu gạo. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc áp dụng chương trình giám sát chặt chẽ gây bất lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Báo cáo của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến ngày 13/9/2016, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tỉnh vùng ĐBSCL đã xuống thu hoạch vụ Hè Thu khoảng 1,1 triệu ha với năng suất 5,7 - 5,8 tấn/ha; vụ Thu Đông xuống giống khoảng 650.000 ha/867.000 ha diện tích kế hoạch.
Đáng lưu ý, dù trúng thầu cung cấp cho Philippines 150.000 tấn gạo nhưng giá lúa gạo trong nước lại giảm mạnh từ 200 - 400 đồng/kg do nguồn cung tăng từ một số địa phương vùng ĐBSCL đã bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông.
Tại Tiền Giang, lúa IR5040 tươi bán tại ruộng có giá 4.300 - 4.400 đồng/kg, giá lúa chất lượng cao chưa đến 5.000 đồng/kg, giảm khoảng 200 đồng/kg so với tháng 8/2016. Tại Hậu Giang, giá lúa thậm chí còn rẻ hơn. Lúa IR5040 chỉ có giá từ 3.900 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg, giảm tới 400 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ và giảm đến 600 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2015.
Về xuất khẩu, xuất khẩu gạo trong tháng 9/2016 ước đạt 250 nghìn tấn với giá trị 110 triệu USD, giảm 43% về lượng và giảm 39% về trị giá so với cùng kỳ 2015. Lũy kế xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3,7 triệu tấn, trị giá ước đạt 1,65 tỷ USD, giảm 15% về lượng và giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Vừa qua, VFA đã phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2016 xuống còn 5,65 triệu tấn so với chỉ tiêu cũ là 6,5 triệu tấn. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, xuất khẩu gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn.
Trung tâm thông tin thuộc Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó khăn khi các thị trường lớn của Việt Nam như Indonesia chưa có ý định tiếp tục nhập khẩu gạo. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc áp dụng chương trình giám sát chặt chẽ gây bất lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trên thị trường thế giới, Thái Lan dự kiến sẽ thu hoạch 23,55 triệu tấn gạo trong khoảng tháng 10 –12/2016. Đây là lý do khiến Thái tạm dừng mở bán đấu giá gạo dự trữ để tránh dư thừa trên thị trường trong thời điểm thu hoạch lúa. Xuất khẩu gạo Thái Lan từ đầu năm tới nay đạt 6,57 triệu tấn. Thái Lan đã đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo trong năm 2016. Hiện dự trữ gạo của nước này còn khoảng 8,4 triệu tấn gạo.
Tại khu vực châu Á, giá gạo xuất khẩu nhìn chung ổn định, mặc dù khoảng cách giá gạo Thái Lan và Việt Nam nới rộng trong bối cảnh tiêu thụ chậm, trong khi gạo Ấn Độ giảm giá nhẹ do nhu cầu cũng yếu.
Khoảng cách giữa giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam đã tăng lên mức 33 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm mạnh xuống còn 340 – 345 USD/tấn (FOB) so với thời điểm đầu tháng. Gạo 25% tấm hiện khoảng 330 – 332 USD/tấn (FOB) so với 330 – 335 USD/tấn thời điểm đầu tháng 9. Giá gạo xuất khẩu hiện đang ở mức thấp trong nhiều tháng do khối lượng cung cấp cho Philippines quá ít so với nguồn cung dự trữ hiện tại.
Giá gạo trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo, khi nhu cầu tiêu thụ thấp và sản lượng tăng khi các nước xuất khẩu đều dự báo sẽ bội thu trong vụ thu hoạch tới.
Phương Dung