Xử lý nợ xấu: Không tạo ra bất cứ đặc quyền hay ưu ái nào cho tổ chức tín dụng

(Dân trí) - Trước lo lắng của đại biểu Quốc hội về Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có thể “vô tình thành lá bùa chống lưng cho sai phạm”, “một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu vô can, miễn tội”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Xử lý nợ xấu không tạo ra bất cứ đặc quyền hay ưu ái nào cho tổ chức tín dụng”.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiều nay (12/6), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu hoặc đưa vào phụ lục mà không ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước xác định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và bổ sung phụ lục về xác định nợ xấu đính kèm nghị quyết để bảo đảm rõ ràng, minh bạch; bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi phụ lục này theo đề nghị của Chính phủ.

Một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 31/12/2016. Một số ý kiến đề nghị cho phép xử lý các khoản nợ phát sinh trong thời hạn thực hiện của Nghị quyết để bảo đảm đồng bộ trong việc thực hiện chính sách xử lý nợ xấu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội theo 2 phương án thể hiện như trong dự thảo nghị quyết để xem xét, quyết định.

“Không nên vô tình để Nghị quyết thành lá bùa chống lưng cho sai phạm”

Theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), nợ xấu là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế gắn với hoạt động tín dụng của ngân hàng khi có rủi ro phát sinh. Mặc dù ngân hàng có nhiều cố gắng song do thiếu cơ chế nên sau nhiều năm tích tụ lại nợ xấu rất lớn. Chính vì thế ngân hàng cần tranh thủ điều kiện của nghị quyết này khi được ban hành để xử lý cục máu đông nhức nhối bấy lâu nay và nâng cao giám sát, kiềm chế nợ xấu không để vượt tầm kiểm soát.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Ảnh: Quochoi.vn)

“Tuy nhiên đại biểu và cử tri còn băn khoăn, liệu khi ban hành nghị quyết này có hay không một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu vô can, miễn tội? Điều này cần phải giải thích rõ, không miễn trừ trách nhiệm người gây ra nợ xấu dù nợ xấu đã được xử lý”- vị đại biểu tỉnh Phú Thọ nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lại băn khoăn về việc những khoản nợ xấu sau năm 2016 không được xử lý thì xử lý theo quy định nào, bởi đã là nợ xấu thì giống nhau, không thể cùng loại nợ xấu nhưng chính sách pháp luật áp dụng xử lý khác nhau.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nhìn nhận, mới chỉ thấy đánh giá tác động của từng chính sách, chứ không đánh giá tổng thể của nghị quyết này.

“Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ thêm dự kiến kết quả đạt được, bao nhiêu nợ xấu tồn đọng được xử lý, nợ xấu được giải quyết bao nhiêu trong tổng nợ xấu, lãi suất cho vay giảm được bao nhiêu %?”- ông Minh chất vấn.

Vị đại biểu tỉnh Quảng Ninh đánh giá, phạm vi nợ xấu cần xử lý quá rộng không phù hợp. “Không nên vô tình để Nghị quyết thành lá bùa chống lưng cho sai phạm, thiếu trách nhiệm trong sai phạm trước đây tái diễn” - ông Minh nói và khẳng định việc lựa chọn phương án xử lý nợ xấu xử lý là rất quan trọng nên đề nghị Quốc hội xin ý kiến bằng phiếu, cân nhắc thời gian thực hiện 5 năm đã phù hợp hay ngắn lại.

Dẫn lại bài học thí điểm thực hiện chế định thừa phát lại trước đây, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định, 5 năm thực hiện là đủ để kiểm nghiệm, nếu ngắn quá sẽ phải kéo dài sang giai đoạn hai. Ông Nhưỡng đề nghị làm rõ, bổ sung quy định xung quanh việc khi nghị quyết hết thời hạn thì xử lý những khoản nợ dở dang như thế nào.

Không thu giữ tài sản có tranh chấp hoặc có liên quan tới vụ án hình sự

Giải trình những thắc mắc của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, việc xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng không đạt kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn vướng mắc bất cập về pháp lý, nhiều vấn đề pháp luật chưa có quy định, nhiều quy định đã có nhưng chưa phù hợp với thực tiễn hoặc chưa khả thi. Trên cơ sở đánh giá những khó khăn thực tiễn, bất cập, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội ban hành nghị quyết với mục tiêu xử lý những vướng mắc, bất cập pháp lý hiện hành trong xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo.

Theo ông Hưng, ban hành nghị quyết này không sửa đổi các luật khác mà sử dụng như một văn bản pháp lý chuyên ngành nhằm khắc phục các bất cập của pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu.

“Cơ quan soạn thảo thấy rằng nghị quyết không tạo ra bất cứ đặc quyền hay ưu ái nào cho tổ chức tín dụng” - ông Hưng nhấn mạnh.

Xử lý nợ xấu sẽ giảm bớt chi phí tài chính của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tăng vốn của ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Qua đó đảm bảo an toàn của tổ chức tín dụng, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng giải đáp những thắc mắc của đại biểu Quốc hội chiều 12/6 (Ảnh: Quochoi.vn).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng giải đáp những thắc mắc của đại biểu Quốc hội chiều 12/6 (Ảnh: Quochoi.vn).

“Chính phủ đã báo cáo Quốc hội rất nghiêm túc là Chính phủ không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ thể hiện đúng ý kiến của đại biểu là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu”- ông Hưng nói.

Về phạm vi xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng đánh giá áp dụng như phương án 1 là cần thiết bởi nợ xấu luôn tiềm ẩn phát sinh hàng ngày, song hành với hoạt động của tổ chức tín dụng. Trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu thì tính trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm vào khoảng 1,3-1,5% trên tổng dư nợ và cho vay đầu tư với nền kinh tế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Với mục tiêu tăng dư nợ cho vay bình quân khoảng 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm tới (2017 - 2022) là 350.000 tỷ đồng; để duy trì mục tiêu duy trì nợ xấu dưới 3% thì tổng số nợ cần xử lý trong 5 năm tới là 640.000 tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi năm cần xử lý gần 130.000 tỷ đồng. Nếu chỉ giới hạn nợ xấu ghi nhận tới ngày 31/12/2016 thì nợ mới phát sinh trong thời gian nghị quyết có hiệu lực sẽ vướng về cơ chế xử lý.

Nếu xử lý nợ tới 31/12/2016 và nợ của các tổ chức tín dụng phát sinh sau sẽ xử lý theo luật hiện hành, ông Hưng cho rằng, sẽ rất bất cập. “Rất mong Quốc hội xem xét, quyết định”- ông nói.

Đối với những lo lắng trong thu giữ tài sản đảm bảo, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trường hợp tài sản có tranh chấp, đang bị kê biên trong các vụ án hình sự, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã bổ sung trong dự thảo quy định “không thu giữ tài sản có tranh chấp, hoặc có liên quan tới vụ án hình sự”…

Dẫn ra Nghị quyết 24 của Quốc hội nêu rõ, tới năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, ông Hưng cho rằng để thực hiện mục tiêu này sau khi nghị quyết nợ xấu được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành các biện pháp quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong đó sẽ nâng cao năng lực quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng, tăng cường thanh tra giám sát.

“Với xử lý được nợ xấu theo quy định tại nghị quyết này chi phí tài chính sẽ giảm, chắc chắn lãi suất sẽ giảm và tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng sẽ tăng, đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng thời gian tới”- ông Hưng khẳng định.

Điều 4 dự thảo Nghị quyết đưa ra hai phương án về nợ xấu:

Phương án 1: Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ.

Phương án 2: Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là các khoản nợ quy định tại Phụ lục về xác định nợ xấu của Nghị quyết này và có dư nợ tại thời điểm ngày 31/12/2016. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chịu trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm