Bán “rẻ” nợ xấu: Đại biểu lo bị lợi dụng, hợp thức hóa sai phạm

(Dân trí) - Phương án xử lý nợ xấu trong thời gian tới đang trình Quốc hội thông qua dự kiến sẽ cho phép bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách. Trong khi đại diện phía ngân hàng đánh giá đây là bước tiến tháo gỡ những vướng mắc hiện tại thì một số đại biểu lo ngại sẽ xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, đem lại lợi ích cục bộ cho một số đối tượng, hợp thức hóa sai phạm.

Phiên thảo luận tổ của đoàn Hà Nội sôi nổi với sự tham dự, lắng nghe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh: BD)
Phiên thảo luận tổ của đoàn Hà Nội sôi nổi với sự tham dự, lắng nghe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh: BD)

“Gánh nặng của nền kinh tế”

Thảo luận tại tổ chiều nay (26/5) về vấn đề xử lý nợ xấu, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, nợ xấu đang “điểm nghẽn”, “điểm nóng” cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. Bởi lẽ ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng, dư nợ ước 122% GDP, gấp 2-3 lần các nước ASEAN.

“Gánh nặng của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn”, ông Ngân đánh giá. Cũng theo ông Ngân, sau 5 năm triển khai Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng và giải quyết khoảng 350.000 tỷ đồng; nợ chuyển cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) 250.000 tỷ đồng và đã xử lý 50.000 tỷ đồng.

Ước tính nợ xấu hiện chiếm 2,65% tổng dư nợ, khoảng 150.000 tỷ đồng và nếu cộng với con số tại VAMC 200.000 tỷ đồng thì khoảng 350.000 tỷ đồng, tương đương 6%. Tuy nhiên, nếu tính cả những khoản nợ có thể thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể lên tới 10% như tờ trình của Chính phủ.

Từ đó, vị đại biểu cho rằng, để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và cơ chế pháp lý đủ mạnh vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Và nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền.

Tuy nhiên, điểm khiến vị đại biểu lo ngại, tài sản thế chấp cầm cố có còn không bởi vì nếu sau 5 năm không xử lý được thì “nó xấu lắm rồi”.

Về vấn đề này, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TPHCM) cũng chia sẻ quan điểm, “tài sản sạch” trong xử lý nợ xấu đã được bán nhưng tài sản còn lại giá trị không còn bao nhiêu, thậm chí đã có người khác quản lý. Ví dụ như đất phân lô đã bán hết; tài sản cho thuê… Vì vậy, dự thảo nghị quyết yêu cầu thực hiện trình tự, thủ tục rút gọn trong xử lý nợ xấu là khó khăn, khó khả thi nếu tài sản đó còn tranh chấp.

Và, khi đã còn tranh chấp thì vẫn phải theo quy trình hiện hành. “Tôi ủng hộ việc ban hành nghị quyết nhưng quy định đưa ra phải khả thi vì nếu không nghị quyết khó mà thực hiện được”, vị đại biểu bày tỏ.

Chia sẻ dưới góc độ là một người trong ngành, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng, do nợ xấu là một loại hàng hóa nên cần phải có thị trường, có người bán, người mua. Hiện tại, Việt Nam có thị trường nhưng hàng hóa lại nghèo nàn, chủ yếu trước tới nay đang bán những khoản nợ gắn với động sản, còn cái mà người mua quan tâm (gắn với bất động sản, đất đai) thì lại không xử lý được.

Hơn nữa, người mua trên thị trường này gần như chỉ có DATC là cơ quan của Bộ Tài chính, VAMC lại chưa có nguồn lực và cơ chế để mua theo giá thị trường. Do vậy, nợ xấu rất khó bán, khó đàm phán, chủ yếu các ngân hàng vẫn phải tự xử lý. Con đường đòi nợ phổ biến là khởi kiện ra tòa.

Bán nợ xấu giá thị trường: Ngân hàng hy vọng, đại biểu nghi ngờ

Ngoài ra, ông Thắng cũng chia sẻ, việc cho phép giao dịch nợ xấu với giá thị trường tuy là nội dung rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, mang tính quyết định. Vừa qua, do không quy định về bán nợ xấu theo giá thị trường, nên với những ngân hàng TMCP “anh em khi làm rất ngại”.

Việc xử lý nợ xấu sẽ giúp khơi thông nguồn lực lớn cho nền kinh tế
Việc xử lý nợ xấu sẽ giúp khơi thông nguồn lực lớn cho nền kinh tế

Chủ tịch VietinBank cho hay, tới 90% các khoản nếu bán theo thị trường thì sẽ dưới giá trị sổ sách, nên chắc chắn sẽ có phần thất thoát tài sản. Chính vì vậy, khi xử lý, cán bộ ngân hàng lo ngại phải chịu trách nhiệm nên an toàn nhất vẫn là bán cho DATC vì đây là một đơn vị của Nhà nước.

Rồi trường hợp chỉ định tham gia xử lý ngân hàng yếu kém. Trong vụ tham gia tái cơ cấu Oceanbank, một ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, ông Thắng cho biết, VietinBank đã phải đưa sang 100 cán bộ. Tuy nhiên, “anh em rất tâm tư vì không những lương thưởng bị cắt hết mà lại thêm áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ đưa ngân hàng đó thoát ra khỏi khủng hoảng, trong quá trình xử lý luôn lo lắng có sai sót gì không”, vì lãnh đạo ngân hàng chia sẻ. Do đó, theo ông Thắng cần phải làm rõ cơ chế miễn trừ trách nhiệm như thế nào, trong trường hợp ra sao để tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu thuận lợi nhất.

Ngoài ra, ông Thắng cũng đề cập đến một khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo đó là tâm lý cố tình chây ì của khách hàng vay nợ. Trong khi quá trình khởi kiện phức tạp, lâu dài nên một số doanh nghiệp đã tự tạo ra các tranh chấp nội bộ để kéo dài thời gian và trong thời gian đó vẫn tiếp tục khai thác những lợi thế gắn với tài sản đảm bảo. Do đó, quy định cho phép thu hồi tài sản đảm bảo sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng có thêm áp lực với người vay nợ.

Ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) lại bày tỏ nghi ngờ thuật ngữ “bán theo giá thị trường” hay “thấp hơn giá ghi sổ” vì như vậy dễ bị lợi dụng, đem lại lợi ích cục bộ cho một số đối tượng, hợp thức hóa sai phạm.

Bà Tâm lấy ví dụ: Một mảnh đất có giá trị vài trăm triệu đồng nhưng khi thế chấp ngân hàng được đẩy giá lên hàng tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng. Nay nếu quy định bán thấp hơn giá ghi sổ thì sẽ hợp thức hóa cho sai sót.

Vị đại biểu cũng đề nghị, cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm tổ chức, cá nhân đúng quy định pháp luật để xảy ra nợ xấu, không để lọt tội nhằm tạo niềm tin của dân với Quốc hội. Đồng thời, Quốc hội cũng phải giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, đại biểu Doãn Nguyễn Như Khuê cho biết, ông băn khoăn liệu những quy định mới có phải phao cứu cánh cho ngành ngân hàng, có phải sự ưu ái cho ngành ngân hàng hay không? “Tôi rất sợ tổ chức tín dụng coi đây là cái phao để vượt qua khe cửa hẹp trong tình hình khó khăn xử lý nợ xấu hiện nay”, ông nói.

Bích Diệp