Bình Định:

Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Tổng cục Thủy sản yêu cầu giám sát chặt chẽ việc sửa chữa

(Dân trí) - Liên quan đến hàng loạt tàu cá vỏ thép hư hỏng tại Bình Định, các bên đã đi đến thống nhất phương án, thời gian hoàn thành sửa chữa. Hiện chính quyền địa phương yêu cầu doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục để tàu sớm ra khơi, song ngư dân vẫn còn nỗi lo riêng.

Bình Định: Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Tổng cục Thủy sản yêu cầu giám sát chặt chẽ việc sửa chữa

Đồng ý giữ lại thép Trung Quốc đạt chuẩn, ngư dân vẫn lo?

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNNT) vừa có công văn đề nghị Sở NN&PTNT Bình Định thực hiện việc sửa chữa tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ tại Bình Định bị hư hỏng.

Theo đó, trước khi sửa chữa phải phối hợp các bên liên quan, tiến hành khảo sát để xác định hư hỏng cần sửa chữa, thay thế đối với mỗi tàu. Xây dựng phương án sửa chữa để làm cơ sở kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện trong quá trình sửa chữa tàu bị hư hỏng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu các đơn vị liên quan, đặc biệt là đăng kiểm viên phải giám sát chặt chẽ việc doanh nghiệp sửa chữa, khắc phục các tàu vỏ thép hư hỏng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu các đơn vị liên quan, đặc biệt là đăng kiểm viên phải giám sát chặt chẽ việc doanh nghiệp sửa chữa, khắc phục các tàu vỏ thép hư hỏng.

Đối với vật liệu đóng tàu, máy chính, máy phụ, các thiết bị được sửa chữa thay thế phải đồng bộ, phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt, thỏa mãn các quy phạm kỹ thuật về tàu cá và các quy phạm kỹ thuật có liên quan. Riêng về vật liệu vỏ tàu, phải đạt tối thiếu cấp thép A theo quy định tại phần 7A, quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép (QCVN 21:2010/BGTVT).

Tuy nhiên, nhiều ngư dân cho rằng việc đồng ý giữ lại thép Trung Quốc đạt chuẩn cấp A, song ngư dân vẫn còn lo ngại khi tàu ra khơi lại tiếp tục hư hỏng.

“Hợp đồng thanh toán là thép Hàn Quốc chứ không phải Trung Quốc. Chúng tôi đã nói với ngân hàng, nhưng giờ công văn Tổng cục Thủy sản về hướng sữa tàu đã có: Nếu thép Trung Quốc không đạt cấp thép A (theo QCVN 21:2010/BGTVT) sẽ được tháo bỏ để thay thế, còn phần vỏ đạt cấp thép A sẽ được giữ nguyên. Nhưng nếu ngư dân yêu cầu tháo hết thép Trung Quốc thay mới thì thời gian tàu nằm bờ kéo dài, nợ nần tôi sợ quá rồi…”- ngư dân Mai Văn Chương, chủ tàu BĐ 99179 TS đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định), cho hay.

Hiện nay, có 7 tàu cá vỏ thép của Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã lên đà tại Nhà máy đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đang tiến hành sửa chữa.
Hiện nay, có 7 tàu cá vỏ thép của Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã lên đà tại Nhà máy đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đang tiến hành sửa chữa.

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất và chốt phương án cũng như thời gian sửa chữa cho 5 chủ tàu vỏ thép hư hỏng bằng văn bản đã cam kết. Sau khi khảo sát, xác định xong công việc… công ty sẽ cho công nhân tiến hành sửa chữa theo tinh thần nhanh nhất. Về phần thép Trung Quốc không đạt cấp thép A thì tháo ra thay lại, còn đạt cấp A thì giữ nguyên. Phần này, công ty cũng cam kết sẽ căn cứ theo giá hiện hành để trả lại tiền chênh lệch cho ngư dân”.

Tháo máy “trôi nổi” lắp máy chính hãng

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, từ ngày 14/7 đến nay, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã đưa lên đà và tiến hành sửa chữa 7 tàu của các ngư dân: Nguyễn Ảnh, Nguyễn Công Ðồng, Phan Lùn, Lê Hoài Thanh, Trần Kim Trung, Mai Trường (cùng ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) và tàu cá của ngư dân Lê Ngô Hát (ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) tại Nhà máy đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Các máy tàu không đảm bảo chất lượng, hàng trôi nổi đã được tháo ra.
Các máy tàu không đảm bảo chất lượng, hàng "trôi nổi" đã được tháo ra.
Hiện Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã nhập máy tàu chính hãng Misubishi chỉ chờ đăng kiểm và Tổ giám định kiểm tra sẽ tiến hành lắp cho các tàu của ngư dân.
Hiện Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã nhập máy tàu chính hãng Misubishi chỉ chờ đăng kiểm và Tổ giám định kiểm tra sẽ tiến hành lắp cho các tàu của ngư dân.

Ông Nguyễn Hoàng Tân, cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Hiện nay, công ty đã điều 29 công nhân và 3 cán bộ vào Nhà đóng tàu Tam Quan để tiến hành việc sửa chữa các tàu vỏ thép bị hư hỏng. Đến nay, có 7 máy thủy chính hiệu Mitsubishi (Nhật Bản) được đưa đến Nhà máy đóng tàu Tam Quan. Sau khi đăng kiểm viên và Tổ giám sát thẩm định chất lượng, chúng tôi sẽ tiến hành thay máy chính cho từng tàu vỏ thép có máy không đảm bảo chất lượng. Nếu thời tiết thuận lợi thì dự kiến, 30/8 sẽ hoàn thành xong việc sửa chữa tàu vỏ thép”.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: “Trong quá trình sửa chữa các tàu vỏ thép hư hỏng, đăng kiểm viên phải kiểm tra thiết bị, vật tư và phải ký văn bản xác nhận trước khi lắp đặt máy. Đồng thời, giám sát việc thực hiện lắp đặt đúng thiết bị, đúng quy trình. Khi việc sửa chữa tàu hoàn thành, trước khi tàu xuất xưởng đi khai thác, đăng kiểm viên lại kiểm tra chất lượng con tàu, nếu để xảy ra trục trặc gì đăng kiểm phải chịu trách nhiệm”.

Về việc này, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các bên liên quan và ngư dân cùng giám sát chặt chẽ quá trình các công ty sửa chữa từng con tàu. Đồng thời, đề nghị Công ty TNHH MTV Nam Triệu, trong thời gian sớm nhất, kể cả việc huy động nhân công làm ngày, làm đêm khẩn trương khắc phục, sửa chữa tàu để ngư dân sớm ra khơi khai thác thủy sản đảm bảo cuộc sống, vừa góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Doãn Công