Bình Định:
Vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng: Phải chiếu theo luật hình sự mà xử lý
(Dân trí) - Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, sự cố tàu vỏ thép 67 hư hỏng có trách nhiệm rất quan trọng của cơ quan đăng kiểm. Theo ông, dù kết quả giám định của Tổ giám định tại Bình Định như thế nào thì phải chiếu theo luật hình sự mà xử lý.
Nếu cơ quan đăng kiểm làm bậy là chết
Trong 18 tàu cá vỏ thép 67 bị hư hỏng đều rơi vào 2 công ty TNHH MTV Nam Triệu (tại Hải Phòng, thuộc Bộ công an) và công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Hiện nay, ngư dân Bình Định đang lâm vào cảnh khốn đốn, đối mặt với số nợ hàng chục tỷ đồng từ vốn vay ngân hàng. Thế nhưng, khi chủ tàu có đơn khiếu nại, cơ quan chức năng vào cuộc thì các đơn vị thi công đóng tàu dùng tiền “bịt miệng” ngư dân với thỏa thuận ngư dân nhận 100 - 200 triệu đồng và rút đơn kiện…
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, trong 18 con tàu vỏ thép 67 của Bình Định đưa vào sử dụng chưa đã bao lâu đã bị hư hỏng có trách nhiệm rất quan trọng của cơ quan đăng kiểm.
“Để đóng mới một con tàu hàng chục tỷ động cho ngư dân, trách nhiệm cơ quan đăng kiểm cực kỳ quan trọng. Nếu cơ quan đăng kiểm không bật đèn xanh thì không ai có thể qua mặt được. Bởi lẽ, cơ quan đăng kiểm là người kiểm tra từng bước một từ khi đóng tàu, chạy thử nghiệm đến lúc bàn giao cho ngư dân. Tất cả đều phải qua chữ ký của đăng kiểm viên. Về mặt quy định kiểm tra tàu bè rất chặt chẽ, bước 1 không xong thì không thể có bước tiếp theo. Vì vậy, vai trò của đăng kiểm trong trường hợp này quyết định tất cả, nếu cơ quan đăng kiểm làm bậy là chết…”- ông Lăng cho hay.
Trao đổi về nguyên nhân do đâu mà trong 18 tàu vỏ thép hư hỏng tại Bình Định lại tập trung vào 2 công ty nói trên, ông Lăng nói ngay: “Tàu không hoạt động được do cơ sở đóng tàu đóng không đảm bảo kỹ thuật mà trong mẫu thiết kế đã đề ra, kể cả trong hợp đồng kinh tế với ngư dân”.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam.
Ông Lăng cũng cho rằng một nguyên nhân nữa xuất phát từ phía ngư dân. “Lâu nay, ngư dân chỉ quen với tàu vỏ gỗ chưa biết tàu vỏ thép như thế nào. Nói đến tàu vỏ gỗ thì không ai có thể qua mặt được ngư dân nhưng tàu vỏ thép họ còn lạ lẫm. Khi chủ tàu không biết gì sẽ rất khó khăn trong việc giám sát xem nhà máy đóng tàu có làm đúng hay không?".
"Nếu nếu nhà máy lợi dụng ngư dân không biết gì rồi lắp bậy bạ, cuối cùng ra khơi đánh bắt không được thì chủ tàu cũng bó tay?”- ông Lăng chia sẻ.
Đây là hành động “phản bội” đất nước, ngư dân
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, hiện nay địa phương đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc và yêu cầu phải đưa vào xử lý hình sự.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Thiên Lăng nêu quan điểm: “Tôi đã nghe ý kiến của luật sư về vấn đề tàu 67 hư hỏng tại Bình Định, cơ sở đóng tàu thay thép Trung Quốc trong khi hợp đồng là đóng thép Hàn/Nhật, rồi dùng máy thủy tàu không chính hãng… Tất cả những vấn đề này đều vi phạm vào luật hình sự. Theo tôi dù kết quả giám định của Tổ giám định tại Bình Định như thế nào thì phải chiếu theo luật hình sự mà xử lý”.
Ông Lăng nói tiếp: “Tôi cho rằng việc xử lý hình sự là đúng, cố tình thay thép, thay máy tầm bậy là hại cho đất nước. Vấn đề không chỉ có 18 chiếc tàu hư hỏng mà đây theo nhiều người đây là hành động “phản bội” đất nước, ngư dân. Ngư dân không đi đánh bắt được thì làm sao bảo vệ lãnh thổ, ngư trường”.
Thế nhưng, có một thực tế rất nhiều vụ việc khi cơ quan chức năng vào cuộc khi có kết quả thì cũng chỉ xử lý nhẹ bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Và cuối cùng ngư dân vẫn là người chịu thiệt thòi.
Trao đổi về việc này, ông Lăng cho hay: “Quan điểm của tôi là không có chuyện xử lý chung chung, không thể kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho qua chuyện. Bây giờ, công an cần vào cuộc điều tra ai vi phạm gì, tội ở đâu… sai đến đâu xử lý đến đó, nhất định phải xử lý hình sự”.
Doãn Công