Vụ sáp nhập Adayroi, giải thể VinPro: Vingroup đang “thắt lưng buộc bụng” cho tham vọng lớn
(Dân trí) - CEO Vingroup khẳng định, việc sáp nhập Adayroi vào VinID và việc đóng cửa VinPro không hẳn do lỗ lớn, hoạt động không hiệu quả. Riêng với thương mại điện tử, ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ.
Như tin đã đưa, trong sáng nay, Vingroup đã phát đi thông cáo chính thức về việc rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp thông qua sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi vào VinID và giải thể toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro. Thời hạn hoàn tất cho các công việc nổi chỉ trong tháng 12 này.
Ngay sau thông tin này, ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Vingroup chính thức lên tiếng trước truyền thông, tiết lộ: Với việc thay đổi chiến lược mới, toàn hệ thống Vingroup đang dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart.
“Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, đủ sức đưa Vingroup trở thành một tập đoàn có tầm vóc trên trường quốc tế” - ông Quang cho hay.
Cụ thể, vừa qua Vingroup đã sáp nhập VinCommerce với Masan và trao quyền điều hành hệ thống bán lẻ tiêu dùng cho phía Masan để tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp và công nghệ. Nay, tập đoàn này tiếp tục tiến hành tái cơ cấu khối bán lẻ trong nội bộ, cụ thể là sáp nhập trung tâm thương mại điện tử Adayroi vào Công ty cổ phần VinID và đồng thời sẽ giải thể hệ thống siêu thị điện máy VinPro.
Theo đó, trung tâm thương mại điện tử Adayroi sẽ sáp nhập hoàn toàn vào Công ty Cổ phần VinID kể từ ngày 31/12/2019 và Công ty VinPro dự kiến sẽ chính thức dừng hoạt động trong tháng 12/2019.
Những thay đổi này, theo ông Quang, là động thái tiếp theo trong lộ trình cơ cấu lại toàn bộ khối bán lẻ của tập đoàn theo chiến lược tập trung cho các lĩnh vực mũi nhọn là công nghệ và công nghiệp như đã tuyên bố trước đó.
Sáp nhập không phải vì lỗ
Khi được đặt câu hỏi: “Việc sáp nhập Adayroi vào VinID liệu có thể hiểu là Vingroup đóng cửa mảng thương mại điện tử do thời gian qua hoạt động không hiệu quả khi liên tục lỗ lớn không, tương tự với VinPro?”, CEO Vingroup nói luôn: “Không hẳn như vậy”.
Ông Nguyễn Việt Quang lập luận, thương mại điện tử ở Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp đều chấp nhận thua lỗ ban đầu khi đầu tư vào thương mại điện tử để thâu tóm thị phần. Ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Amazon, JD.com cũng phải mất nhiều năm mới thoát lỗ.
Thực tế, khi phát triển Adayroi, mục tiêu đầu tiên của của Vingroup là tạo ra một nền tảng hỗ trợ đắc lực cho hệ sinh thái mà Vingroup đã xây dựng được. Adayroi đã tạo ra một sân chơi công bằng với những tiêu chuẩn, chuẩn mực về chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, thúc đẩy vào sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử và ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Hiện tại, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Vingroup quyết định nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình “new retail” – là mô hình kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O).
Việc sáp nhập Adayroi với ứng dụng VinID không chỉ giúp dữ liệu hóa hành vi người dùng mà còn giúp xây dựng một nền tảng bản lẻ mới, linh hoạt hơn và lấy khách hàng làm trọng tâm với mục tiêu dự đoán đúng nhu cầu, phục vụ đúng những yêu cầu của khách hàng vào đúng lúc họ cần với chất lượng dịch vụ tốt nhất.
“Còn với VinPro, chúng tôi cũng xây dựng với mục tiêu mang tới hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ trọn vẹn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với việc thay đổi chiến lược mới, toàn hệ thống Vingroup đang dồn mọi nguồn lực cho VinFast và VinSmart. Chúng tôi sẽ thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi để tập trung nguồn lực cho những dự án lớn, đủ sức đưa Vingroup trở thành một tập đoàn có tầm vóc trên trường quốc tế” - CEO của Vingroup chia sẻ.
Sẵn sàng bắt tay mọi đối tác
Một vấn đề được đặt ra là các siêu thị điện máy VinPro hiện đang phủ sóng tại tất cả các Vincom trên cả nước với tổng diện tích mặt bằng thuê khá lớn. Do đó, có nghi ngại việc giải thể VinPro có thể sẽ gây nên một khủng hoảng kiểu “domino” cho Vincom?
Đáp lại nghi vấn nay, ông Quang cho biết, các siêu thị VinPro đang nằm ở các vị trí rất tốt của các trung tâm thương mại Vincom, vì vậy Vincom Retail sẽ rất dễ dàng cho thuê các mặt bằng này.
Ông Quang cũng đề cập đến tác động của việc tái cấu trúc hệ thống đối với chiến lược bán hàng khi mà Adayroi và VinPro vốn được coi là những kênh bán hàng và giới thiệu sản phẩm mới hiệu quả, đặc biệt cho khối công nghệ mà tập đoàn này đang tập trung phát triển.
Vị CEO cho biết, tương tự như các nhà sản xuất lớn khác, sản phẩm của Vingroup không phụ thuộc vào 1 - 2 nhà phân phối cố định “trong nhà” mà sẽ cung cấp rộng rãi tới các chuỗi bán lẻ, các đại lý, nhà phân phối trên thị trường. Có thể thấy điển hình như điện thoại Vsmart hiện bán tại các nhà phân phối lớn như Thế giới di động, FPT Shop, Viettel Store…
Đây cũng là chính sách bán hàng của Vingroup từ xưa đến nay. Mục tiêu là khách hàng có thể dễ dàng mua sản phẩm ở bất cứ điểm bán nào.
“Chúng tôi bắt tay mọi đối tác để mở rộng quan hệ hợp tác chứ không gói gọn trong một vài nhà phân phối cụ thể. Do đó, việc tái cấu trúc mảng bán lẻ nội bộ không tạo ra biến động lớn nào tới chiến lược kinh doanh các sản phẩm khác của Vingroup” - ông Quang khẳng định.
Mai Chi