Thương vụ “bom tấn” của hai tỷ phú: “Sếp” Vingroup tiết lộ lý do thực của vụ sáp nhập

(Dân trí) - Ngay sau thông tin việc Vinmart và Vinmart+ sáp nhập vào Masan, ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh thương vụ chấn động thị trường này.

Nguyên nhân thực sự sau quyết định gây sốc là gì?

Như Dân trí đưa tin, ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã thỏa thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco, để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Thông tin bất ngờ này ngay sau đó thu hút được sự chú ý của giới đầu tư. Ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup đã có những chia sẻ nhằm làm rõ hơn về thương vụ “khủng” này.

Thương vụ “bom tấn” của hai tỷ phú: “Sếp” Vingroup tiết lộ lý do thực của vụ sáp nhập - 1
Ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup.

Vingroup vừa bất ngờ thông báo quyết định sáp nhập hai chuỗi bán lẻ lớn nhất của mình vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan. Xin ông có thể cho biết chi tiết thương vụ này, ai sẽ nắm quyền chi phối?

Bản chất của giao dịch là Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập (bao gồm công ty Masan Consumer Holdings và công ty VinCommerce).

Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục cần thiết để xác định tỷ lệ hoán đổi giữa 2 bên. Sau sáp nhập, thị trường sẽ có một Tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Do tỷ lệ sở hữu của Vingroup trong công ty mới chiếm tỷ lệ nhỏ hơn nên Masan Group sẽ là bên nắm quyền kiểm soát và chúng tôi cũng chuyển giao toàn bộ việc điều hành Công ty VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, chuỗi cửa hàng VinMart+ và VinEco) sang cho Masan.

VinMart, VinMart+ từng đặt mục tiêu tham vọng thành nhà bán lẻ số 1 Việt Nam với việc liên tục mở rộng quy mô, “thâu tóm" chuỗi bán lẻ khác. Do vậy quyết định sáp nhập này có thể được coi là khá bất ngờ. Ông có thể tiết lộ lý do của quyết định này? Phải chăng do những công ty này không đạt được kỳ vọng kinh doanh của Tập đoàn?

Ngược lại, VinCommerce và VinEco đều đang phát triển rất tốt. VinCommerce hiện dẫn đầu thị trường với hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+. Quý 3/2019, doanh thu từ mảng bán lẻ đạt 7.870 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và chiếm tới 25% tổng doanh thu của Tập đoàn, chỉ đứng sau mảng bất động sản.

Vậy đâu là nguyên nhân thực sự dẫn đến quyết định gây sốc này, thưa ông?

Nguyên nhân thực sự là Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào công nghệ - công nghiệp.

Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh.

Vì sao lại chọn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang?

Vậy lý do chính Vingroup chọn Masan chỉ vì đây là doanh nghiệp Việt Nam?

Đây là câu chuyện “chọn mặt gửi vàng”. Trước hết, phải khẳng định là ngay từ đầu chúng tôi đã quyết chí chỉ chọn doanh nghiệp Việt Nam nhằm giữ thị trường bán lẻ cho người Việt, đảm bảo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất trong nước.

Yếu tố quan trọng thứ hai là doanh nghiệp được chọn phải có năng lực và nền tảng tốt để tiếp quản và phát triển VinCommerce và VinEco lên một tầm cao mới.

Ông có thể cho biết quyền lợi của nhà đầu tư, đối tác cũng như người tiêu dùng được đảm bảo thế nào sau thương vụ này?

Không có gì thay đổi! Sau khi tiếp quản, Masan sẽ giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại cũng như chính sách đối với nhà đầu tư và nhà cung cấp. 

Vậy còn hàng ngàn cán bộ nhân viên của hai hệ thống này, thưa ông?Cán bộ nhân viên sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Khánh